Cho thuê tài chính vẫn rất khiêm tốn

Cho thuê tài chính là kênh cung cấp vốn trung, dài hạn phổ biến tại nhiều nước phát triển nhưng ở nước ta thị phần còn rất khiêm tốn. Cuối năm 2023, tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt 45 - 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ tín dụng, với 15 nghìn khách trong tổng số 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.

Vì sao thị phần eo hẹp?

Cho thuê tài chính là một hình thức cấp tín dụng trung, dài hạn tối ưu, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn mà không cần tài sản thế chấp. Cho thuê tài chính là kênh cung cấp vốn trung, dài hạn phổ biến tại nhiều nước phát triển, cùng với tín dụng ngân hàng và trái phiếu, cổ phiếu. Năm 2022, Mỹ dẫn đầu thị trường cho thuê tài chính toàn cầu với doanh thu 472,97 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ 2 với doanh thu 441,46 tỷ USD, theo sau là các quốc gia phát triển khác bao gồm Anh, Đức và Nhật Bản.

Ở Việt Nam, thị phần cho thuê tài chính còn rất nhỏ bé; ông Nguyễn Thiều Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho biết, cho thuê tài chính xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ những năm 1998. Đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho thuê tài chính của Việt Nam đạt 45 - 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ tín dụng; số lượng sử dụng chỉ có 15 nghìn khách trong tổng số 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1,5%. Hiện các sản phẩm cho thuê tài chính của Việt Nam rất truyền thống, phần lớn giống như vay tín dụng, trong khi các sản phẩm mới, ý tưởng mới chưa phát triển, ông Sơn nói tại hội thảo “Hệ sinh thái số và việc phát triển bền vững cho ngành cho thuê tài chính ở Việt Nam" do Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam phối hợp Công ty FIS Global (Mỹ) tổ chức mới đây.

Một trong những thách thức cản trở sự phát triển của cho thuê tài chính là khung pháp lý. Cụ thể, khung khổ pháp lý đối với hoạt động cho thuê tài chính này được gộp chung với ngân hàng thương mại nên bị bó hẹp rất nhiều về đối tượng khách hàng và tài sản cho thuê, trong khi đối thủ cạnh tranh là ngân hàng thương mại rất mạnh cả về vốn và lãi suất. Bên cạnh đó là những rủi ro cố hữu từ sự điều chỉnh chính sách của nền kinh tế đang chuyển đổi (mất đi tính ổn định từ cam kết chính sách) gây ra bất thường cho môi trường kinh doanh. Ngoài ra, rủi ro “mắc kẹt” gia tăng đối với loại tài sản, thiết bị mà cho thuê tài chính đang sở hữu và cho thuê do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và rủi ro tín dụng cao do năng lực kinh doanh và quản trị của khách hàng nhiều hạn chế.

Nhiều dư địa phát triển

Ý nghĩa rất lớn của cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn rất tốt cho doanh nghiệp và hộ dân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi đi thuê tài chính các doanh nghiệp, hộ dân không phải thế chấp tài sản và giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản. Cầu về thuê tài sản cũng rất lớn gồm tài sản tiêu dùng từ gần 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Ngoài ra, 306 bệnh viện tư nhân, 37.350 phòng khám tư nhân hay 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã, gần 20.000 hộ trang trại nông nghiệp cũng là các khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, chuyển đổi số và năng lượng, phát triển kinh tế số, xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cầu lớn về tín dụng trung dài hạn, nhất là cho thuê tài chính, trong khi giới hạn về tỷ lệ vốn ngắn hạn sang cho vay trung dài hạn của ngân hàng thương mại kéo về 30% mở ra cơ hội để cho thuê tài chính phát triển.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường cho thuê tài chính được dự đoán sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Để hỗ trợ xu hướng này, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam, đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm thảo luận sâu về việc ban hành thông tư hướng dẫn riêng về cho thuê tài chính nhằm phân biệt với hoạt động của ngân hàng thương mại. Các doanh nghiệp cho thuê tài chính cần tập trung nguồn lực, trí tuệ để cùng Hiệp hội góp ý hoàn thiện chính sách và nâng quy mô tài sản và dư nợ thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho thuê mới, tệp khách hàng mới. Cùng với đó, phát triển hoạt động nhận ủy thác cho thuê; thí điểm liên kết cho thuê tài sản tiêu dùng vào các khu đô thị và xây dựng chiến lược và có lộ trình triển khai thực hiện quản trị phát triển bền vững (ESG)

Để giúp hoạt động cho thuê tài chính tăng trưởng, công nghệ là điều được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo nhắc tới ở trên; bà Natalie Turner - chuyên gia giải pháp khu vực APAC từ FIS Global nhấn mạnh các công ty cho thuê tài chính có thể giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa nguồn lực, nhân lực hiện tại, tối ưu hóa quy trình nâng cao năng suất hiệu quả dựa trên công nghệ. “Chuyển đổi không có nghĩa là đập đi xây lại, mà sẽ thay đổi những gì thực sự cần thiết dựa trên nguồn lực hiện tại, khả năng chi trả, từ đó mang đến lợi ích to lớn trong tương lai”. Chuyên gia từ FIS Global cũng nhấn mạnh các công ty cho thuê tài chính có thể mở rộng quy mô theo chiều ngang nhờ bước sang các thị trường mới, cung cấp các sản phẩm mới và dịch vụ mới.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/cho-thue-tai-chinh-van-rat-khiem-ton-i371500/