Chính sách mới từ ngân hàng giúp người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024 và lãi suất huy động sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Những chính sách giúp người dân và DN có thêm bước đệm phục hồi kinh tế…

Chính sách mới từ Ngân hàng giúp người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế (Ảnh chụp tại quầy giao dịch của Ngân hàng SeAbank) Ảnh: SeAbank

Chính sách mới từ Ngân hàng giúp người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế (Ảnh chụp tại quầy giao dịch của Ngân hàng SeAbank) Ảnh: SeAbank

Gia hạn thời gian trả nợ

Dù nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn chậm đồng thời tăng trưởng tín dụng kết quả thu được chưa đáp ứng kỳ vọng. Vì thế, NHNN đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024, thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới đây như quy định hiện hành.

Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 nhận được sự tán thành và ủng hộ từ cộng đồng DN, đáp ứng ngay nguyện vọng và những đề xuất nóng bỏng từ phía nhiều hiệp hội và các ngân hàng thương mại. Với 6 tháng tiếp tục được giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng, các DN sẽ có thêm bước đệm để phục hồi, củng cố nội lực, tiếp tục duy trì hoạt động và có điều kiện tích lũy hoàn trả nợ vay.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Nhôm Đô Thành cho biết: Áp lực lãi suất và trả nợ ngân hàng luôn là mối lo đè chặt trên vai DN. Doanh thu cũng như sản lượng của Nhôm Đô Thành đang giảm 40% nên ảnh hưởng lớn đến dòng tiền và nguồn lưu động vốn cho DN. Hiện nay, công ty đang phải vay với mức lãi suất cao hơn 1% so với trước. Do đó, Nhôm Đô Thành cũng như nhiều DN khác đang rất trông đợi Thông tư 02 sớm được triển khai, phát huy hiệu quả trên thực tiễn và đem lại lợi ích trực tiếp, hỗ trợ kịp thời cho DN.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc kéo dài chính sách này đến ngày 31/12/2024 không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro của các nhà băng song sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng chưa gia tăng mạnh ngay.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngân hàng VietinBank cho hay: Việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết trong bối cảnh rất nhiều khách hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024 – 2025. Người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Với việc gia hạn Thông tư 02, cũng có thể giúp giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho phía các DN cho dù chỉ kéo dài thêm 6 tháng.

Thực tế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02 là nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu. Thông tư 02 hết hạn vào ngày 30/6/2024 sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các DN, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn. Thông tư 02 được gia hạn sẽ tạo điều kiện cho DN trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cảnh báo: Thông tư 02 được kỳ vọng giúp hạn chế nợ xấu nội bảng gia tăng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng của DN. Mặc dù vậy, ông Lực vẫn đưa ra cảnh báo về rủi ro nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Khi đó, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi DN. Nếu các DN không phục hồi, không trả được nợ thì nợ xấu sẽ tăng, ảnh hưởng đến cả DN và ngân hàng.

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng

Những ngày qua, rục rịch nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động. Nổi bật như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ban hành biểu lãi suất tiền gửi mới, ghi nhận tăng đáng kể 0,2-0,5 điểm % tại tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TPBank) cũng niêm yết tăng lãi suất tiền gửi với mức tăng khoảng 0,2 điểm % tại tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi, tăng mạnh 0,2-0,5 điểm % tại tất cả các kỳ hạn.

Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Việc các ngân hàng gia tăng nhu cầu vốn cũng là quy luật hợp lý bởi 3 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng rất chậm (đặc biệt tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm), khiến vốn huy động dư thừa trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nhu cầu tăng tốc cho vay trong thời gian tới là rất lớn. Số liệu của một số NHNN về tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3/2024 là 1,34% so với cuối năm 2023, cho thấy nhu cầu vốn để các ngân hàng bơm vào nền kinh tế cho phần còn lại của năm là khá lớn, tương ứng với mức tăng trưởng thêm là 13,66% dành cho 9 tháng cuối năm.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho DN xuất khẩu”cũng vẫn khẳng định: NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành và đang khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.

Ở góc độ chuyên gia độc lập, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi. Vì thế chính sách tiền tệ với đồng Việt Nam sẽ được cân bằng dựa trên những cải thiện từ yếu tố bên ngoài và dự trữ ngoại hối. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ hỗ trợ cho tiền tệ trong khi nhập khẩu cũng được cải thiện. Dự báo thặng dư tài khoản vãng lai sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2024”.

Nguyễn Vũ – Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chinh-sach-moi-tu-ngan-hang-giup-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-phat-trien-kinh-te-381150.html