Chính phủ thông qua Đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống

Chính phủ đồng ý với đề xuất về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2024 theo hướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thay vì ngày 1/1/2025 như được thông qua tại kỳ họp đầu năm...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17/5/2024 thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024;

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thay vì ngày 1/1/2025 như trong Luật Đất đai đã quy định. Mục đích nhằm xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép Luật Đất đai số 31/2024/QH15 sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất.

Bên cạnh đó, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.

Đồng thời, qua đó tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Luật Đất đai là một đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan. Luật Đất đai có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Tại hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các địa phương rất mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực và tin tưởng Luật sẽ giúp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc hiện nay.

Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì soạn thảo, đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động lấn biển.

Với 4 dự thảo: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai và Nghị định quy định về giá đất, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động xây dựng nội dung dự thảo Nghị định, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.

Đối với các Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư quy định về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Thông tư quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai), Bộ đã thành lập Tổ soạn thảo các Thông tư, các đơn vị đang tập trung nguồn lực để xây dựng bảo đảm thời gian và chất lượng văn bản.

Đối với các Nghị định do Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quỹ phát triển đất và Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa và gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định.

Đỗ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chinh-phu-thong-qua-de-nghi-som-dua-luat-dat-dai-2024-vao-cuoc-song.htm