Chiếc mành ốc trong ngôi nhà tuổi thơ

Cảm giác chạy lướt qua, chạm tay vào mành ốc mát lạnh, tiếng những con ốc bé xíu chạm vào nhau nghe rổn rảng chắc vẫn còn đâu đó trong mỗi người khi nhớ về ngôi nhà trong ký ức một thời của tuổi thơ ngày xưa.

Chiếc mành ốc đủ màu sắc được tạo hình từ những con ốc ruốc nhỏ bé là một vật dụng hầu như gia đình nào ở thập niên 70, 80, đầu thập niên 90 cũng có trong ngôi nhà của mình. Mành ốc không chỉ làm màn che cửa ra vào và các cửa ngăn cách giữa các phòng, mà còn như một bức tranh thiên nhiên trang trí trong ngôi nhà của mỗi gia đình.

Sản xuất mành ốc ở Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. (Ảnh chụp năm 2016). Ảnh: Mai Hoàng

Sản xuất mành ốc ở Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. (Ảnh chụp năm 2016). Ảnh: Mai Hoàng

Con ốc ruốc vốn là đặc sản ở ven biển miền Trung, ngày xưa loại ốc này khá nhiều nhưng ít ai ăn mà thường thu hoạch về để làm nguyên liệu thủ công mỹ nghệ. Mùa ốc ruốc bắt đầu từ tháng 2 âm lịch, có khi kéo dài đến khoảng tháng 6 âm lịch. Vào những tháng này, chỉ cần đi trên bờ cát cũng có thể thấy ốc ruốc bị đánh dạt vào bãi biển. Với dân biển miền Trung, ốc ruốc như là một phần ký ức tuổi thơ. Đó là những buổi trưa đi trên cát, chợt phát hiện con ốc tròn như cái nút áo, long lanh như ngọc trong cái nắng biển gay gắt.

Thuở nhỏ nhà tôi giáp biển, gần làng chài Xóm Chụt thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Cứ tới mùa, tôi vẫn thường thấy bà con làng chài rủ nhau đi thu ốc ruốc. Mỗi tháng có 8 ngày nước cạn, ốc nổi, chờ lúc con nước rút, bờ biển sóng lặng, vào khoảng 2 - 3 giờ sáng là người dân lại nhộn nhịp đi cào ốc. Nơi nào bãi biển có cát là người dân cắm cây, dầm mình, dúi que cào xuống nước ngập trên đầu gối, rồi lại trườn ra ở độ sâu hơn tới lưng quần, nhiều người ra xa mực nước sâu tới ngực. Họ dừng lại kéo từng nhát ốc lẫn cát vào bờ, vụt lên giũ xuống nhịp nhàng, tay thoăn thoắt đãi ốc, giũ sạch cát biển theo nước ra ngoài, con ốc ruốc bé xíu nằm lại trong túi lưới mùng. Nhát kéo nào trúng là lên được cả 5 - 7kg, nhát nào thưa cũng được vài ba ký.

Ốc ruốc thu hoạch về được người dân tập trung đào hố ủ để vi khuẩn phân hủy hết ruột ốc phía trong, sau đó đem rửa sạch, phơi thật khô ráo và phân phối cho các hộ dân có nhu cầu nhận xâu mành ốc thủ công. Ốc ruốc bé xíu nhưng có đủ màu tự nhiên, phần lớn có màu xám bóng, số ít màu đỏ và hầu hết đều có hoa văn trông đẹp mắt. Riêng ốc ruốc không cần luộc hay rang chín mà để màu nguyên thủy của nó.

Tôi nhớ cả xóm ngày ấy hầu như nhà nào cũng nhận ốc về xâu mành. Thời ấy đời sống khó khăn, bố mẹ tôi cũng như mọi gia đình khác đều làm thêm rất nhiều nghề phụ để có thêm kinh tế. Mỗi dịp hè đến, hai chị em tôi lại phụ mẹ đục ốc ruốc, ngồi lựa từng màu sắc riêng để xâu thành những tấm mành ốc đủ hình vẽ. Nhìn vô thúng ốc ruốc chẳng khác nào đang ngắm một tấm thảm màu được khảm bởi hằng hà những hạt tròn sặc sỡ, óng ánh. Chúng tôi được mẹ và các cô chỉ dẫn qua một lần cũng có thể trở thành những người thợ sắp xếp chúng để tạo thành những mành ốc sinh động, màu sắc hấp dẫn.

Nghề làm mành ốc và đồ thủ công mỹ nghệ vốn xuất phát từ những làng chài ven biển miền Trung. Ngày xưa, đa số đàn ông đi biển, cuộc đời họ gắn liền với con thuyền và những chuyến ra khơi. Xóm chài chỉ đa số là người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà, không có việc làm, thời gian rỗi nhiều, người dân tự nghĩ ra việc làm mành ốc đem bán kiếm thêm thu nhập. Thế rồi nhà này truyền nhà kia, những mành ốc đơn sơ lại được các gia đình đón nhận và dần trở thành món hàng hóa được ưa chuộng bán trên thị trường. Nhờ đó mà thời ấy chúng tôi có thêm việc để làm ngày hè phụ giúp gia đình, kiếm tiền mua quần áo, sách vở vào năm học mới.

Làm mành ốc không khó nhưng phải qua khá nhiều công đoạn. Ốc được lựa theo từng loại, đục lỗ để xâu cước. Tấm mành ốc cũng được pha màu, phối cảnh, công đoạn khó nhất đòi hỏi khả năng hội họa của người thợ, tạo nên những bức tranh, phổ biến nhất vẫn là hình cây dừa, cá heo, biển, hoa hồng… Phần chân mành có thể tạo hình kiểu đường thẳng hay đường dích dắc, thắt nút cuối mành bằng loại ốc lớn hơn để tạo độ chắc. Với sản vật biển cả ban tặng, đơn giản chỉ là con ốc bé xíu nhưng qua bàn tay lao động của các chị, các mẹ, chúng trở thành những tấm mành đẹp, một món quà có giá trị nghệ thuật và hữu dụng cho các ngôi nhà.

Ốc ruốc.

Ốc ruốc.

Ngày nay, với sự phát triển của nhiều loại chất liệu thay thế trong trang trí nội thất nên nhu cầu về trang trí mành ốc trong các gia đình đã không còn hiện diện. Phường Vĩnh Nguyên - nơi tôi sinh ra và lớn lên vốn rất nổi tiếng với nghề làm mành ốc ở Nha Trang nay cũng hiếm thấy gia đình nào còn làm nghề. Nghe mẹ và các cô sinh hoạt ở Hội Phụ nữ phường kể: Những năm trước 2015, sản phẩm mành ốc được thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Thái Lan, Nga ưa chuộng nên Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên thành lập tổ hợp tác thu mua, hỗ trợ chị em phụ nữ vùng biển làm thêm nghề mành ốc, nhất là phụ nữ ở các đảo Bích Đầm, Trí Nguyên và xóm chài quanh vùng có thêm sinh kế. Tuy nhiên, những năm gần đây, do việc vận chuyển bằng đường biển có nhiều rủi ro nên các đơn vị thu mua mành ốc không còn nhận hàng, trong khi sản phẩm này từ lâu đã không còn tiêu thụ được ở thị trường trong nước. Vì thế, nghề làm mành ốc cứ thế mai một và mất dần theo dấu tích thời gian.

Thi thoảng đi dạo trên bãi biển, chạm chân vào vỏ ốc biển trôi dạt theo con sóng, những ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tôi. Nhiều khi bắt gặp hình ảnh con ốc ruốc bé xíu bày bán trong các hàng quán, trở thành một món ăn chơi của mọi người, bất chợt lại có chút gì đó luyến tiếc về một nghề giản dị đơn sơ của làng biển ngày xưa, hình ảnh những chiếc mành ốc đủ hình dáng, sắc màu với âm thanh vui tai, mát rượi vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức ngôi nhà của tuổi thơ.

LÊ THỊ BÍCH NGỌC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202405/chiec-manh-oc-trong-ngoi-nha-tuoi-tho-61c07ca/