Chế độ ăn tốt cho người bệnh suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cần thực hiện chế độ ăn đủ chất, cung cấp dinh dưỡng và năng lượng để hỗ trợ các chức năng của cơ thể.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh suy tuyến thượng thận

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh suy tuyến thượng thận

2. Các dưỡng chất quan trọng với người bị suy tuyến thượng thận

3. Tham khảo thời điểm ăn tốt cho người bị suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone.

TS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, phía trên hai thận có hai tuyến thượng thận hình tam giác, kích thước nhỏ như đầu đũa. Đây là tuyến nội tiết, tiết ra một số hormone, trong đó có cortisol chịu trách nhiệm điều hòa chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể (nên còn gọi là hormone glucocorticoid - corticoid chuyển hóa glucose) và duy trì chức năng tim mạch, huyết áp. Ngoài ra nó còn có một tác dụng quan trọng khác là làm giảm viêm, ức chế miễn dịch.

Suy tuyến thượng thận khiến cơ thể không thể tạo ra đủ hormone cortisol. Ảnh minh họa: Internet.

Suy tuyến thượng thận khiến cơ thể không thể tạo ra đủ hormone cortisol. Ảnh minh họa: Internet.

Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người bệnh suy tuyến thượng thận vì những lý do sau:

Bù đắp sự thiếu hụt hormone: Suy tuyến thượng thận là một tình trạng nghiêm trọng, trong đó cơ thể không thể tạo ra đủ hormone cortisol và đôi khi không thể tạo đủ aldosterone. Cortisol còn được gọi là "hormone căng thẳng". Điều này cực kỳ quan trọng vì nó cho phép cơ thể phản ứng với nhiều loại tác nhân gây căng thẳng khác nhau, chẳng hạn như bệnh tật hoặc phẫu thuật. Aldosterone giúp cân bằng chất lỏng, chất điện giải.

Hai hormone này rất cần thiết để cơ thể chúng ta hoạt động, sự thiếu hụt các hormone này ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh muối, nước, đường trong cơ thể. Chế độ ăn uống hợp lý giúp bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ chức năng của cơ thể.

Duy trì sức khỏe: Người bệnh suy tuyến thượng thận thường dễ bị mệt mỏi, yếu ớt do thiếu hụt hormone. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe, giúp người bệnh hoạt động tốt hơn.

Phòng ngừa biến chứng: Suy tuyến thượng thận dễ dẫn đến một số biến chứng như hạ đường huyết, mất natri, loãng xương... Chế độ ăn uống hợp lý giúp phòng ngừa các biến chứng này bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để cân bằng điện giải, duy trì lượng đường trong máu ổn định và hỗ trợ sức khỏe của xương.

Kiểm soát bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống: Khi được điều trị và dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh suy tuyến thượng thận có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội.

2. Các dưỡng chất quan trọng với người bị suy tuyến thượng thận

Người bệnh suy tuyến thượng thận cần dùng thuốc steroid để thay thế các hormone mà cơ thể không tạo ra. Liều lượng của những loại thuốc này cần vừa phải và đôi khi cần phải điều chỉnh. Thuốc steroid có thể có tác dụng phụ nhưng tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm một số tác dụng phụ.

Tập trung vào chế độ ăn nhiều trái cây, rau và nguồn protein nạc, nhiều canxi, vitamin D. Người bệnh cũng có thể cần tăng lượng muối ăn vào. Tránh thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa, đồng thời hạn chế hoặc tránh các loại thịt chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế, nước ngọt, đồ chiên rán.

Chế độ ăn với người suy tuyến thượng thận tương tự như các chế độ ăn uống cân bằng khác, thường bao gồm nguồn protein nạc, rau quả, các loại ngũ cốc… để tăng mức năng lượng một cách tự nhiên, không đốt cháy các chất dinh dưỡng dự trữ.

Một chế độ ăn uống cân bằng là cách tốt nhất để hỗ trợ sức khỏe, điều chỉnh lượng đường trong cơ thể. Các bác sĩ khuyên nên cân bằng các nguồn protein, chất béo lành mạnh và carbohydrate giàu dinh dưỡng.

Chế độ ăn uống cân bằng hỗ trợ sức khỏe, điều chỉnh lượng đường trong cơ thể.

Chế độ ăn uống cân bằng hỗ trợ sức khỏe, điều chỉnh lượng đường trong cơ thể.

2.1 Thực phẩm nên ăn

Chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất

Liều cao corticosteroid có liên quan đến nguy cơ loãng xương cao hơn - tình trạng xương trở nên kém đặc hơn và dễ bị gãy hơn. Nếu dùng corticosteroid, cần bảo vệ sức khỏe xương của mình bằng cách bổ sung đủ canxi, vitamin D trong chế độ ăn uống. Bác sĩ sẽ chỉ định lượng canxi nếu cần bổ sung dựa trên độ tuổi.

Một số loại rau bina, cải xoăn, đậu bắp, cải rổ, đậu nành, đậu trắng... giúp bổ sung thêm canxi. Ảnh minh họa.

Một số loại rau bina, cải xoăn, đậu bắp, cải rổ, đậu nành, đậu trắng... giúp bổ sung thêm canxi. Ảnh minh họa.

Theo Brooke Jacob, chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại ChristianaCare, một hệ thống y tế phi lợi nhuận ở Delaware, những người mắc bệnh suy tuyến thượng thận có thể cần phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cẩn thận. Ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau và nguồn protein nạc có thể giúp bạn duy trì cân nặng. Jacob cũng khuyến nghị tập trung vào các loại thực phẩm có chứa vitamin D, canxi để hỗ trợ sức khỏe của xương.

Các thực phẩm như rau bina, cải xoăn, đậu bắp, cải rổ, đậu nành, đậu trắng, một số loại cá và thực phẩm tăng cường canxi giúp bổ sung thêm canxi, vitamin D trong chế độ ăn uống. Một số trường hợp cần phải bổ sung canxi hoặc vitamin D.

Ăn thực phẩm giàu vitamin C như xoài, táo, cam, đu đủ... Dưỡng chất này có tác dụng tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch cũng như thúc đẩy sản xuất cortisol cho cơ thể.

Vitamin nhóm B, cụ thể là vitamin B5 và B6 là dưỡng chất tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất ra hormone tuyến thượng thận. Vitamin nhóm 5 rất giàu trong các loại đậu, bơ, yến mạch...

Protein và chất béo tốt

Bổ sung protein và các chất béo tốt, đây là nguồn năng lượng có khả năng chuyển hóa thành glucose, giúp cơ thể hoạt động bình thường. Các thực phẩm có hàm lượng protein cao như cá, thịt, trứng... Các loại hạt, đậu và protein thực vật khác là những lựa chọn tốt.

Protein trong tất cả các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ sẽ có tác dụng ổn định lượng đường trong máu. Protein đặc biệt quan trọng để giúp khởi đầu buổi sáng. Ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau và nguồn protein nạc hợp lý cũng giúp bạn duy trì cân nặng.

Ăn thực phẩm tươi nguyên chất

Tốt nhất là thực phẩm hữu cơ hoặc được trồng tại địa phương, không có chất bảo quản hoặc hormone bổ sung.

Chú ý đến chế độ ăn nhiều natri

Nhiều người mắc bệnh suy tuyến thượng thận cũng thiếu aldosterone, một loại hormone điều chỉnh lượng muối trong cơ thể. Những người này cũng có thể cần phải tuân theo chế độ ăn nhiều natri. Bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn nguồn natri tốt nhất và lượng natri người bệnh nên có mỗi ngày.

Muối có thể làm tăng huyết áp nhưng huyết áp thấp (hạ huyết áp) là dấu hiệu rất phổ biến của bệnh suy tuyến thượng thận. Nếu bạn cảm thấy choáng váng khi ra khỏi giường vào buổi sáng, đứng dậy nhanh hoặc ra khỏi bồn tắm, rất có thể bạn đang bị suy giảm chức năng tuyến thượng thận. Việc bổ sung thêm muối biển i-ốt chất lượng tốt vào chế độ ăn uống có thể hữu ích.

Uống đủ nước

Hãy nhớ rằng việc giữ nước cũng rất quan trọng. Uống nhiều nước để sẽ giúp cơ thể loại bỏ các hóa chất không mong muốn. Mất nước có thể ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng của người bệnh và khiến tuyến thượng thận sản xuất cortisol.

Hãy thử thực phẩm không chứa gluten

Để cân bằng tuyến thượng thận, hãy tránh xa mọi dạng lúa mì, lúa mạch đen hoặc các loại ngũ cốc có chứa gluten khác. Nhiều người có phản ứng viêm với gluten. Hãy chuyển sang các loại ngũ cốc không chứa gluten như quinoa, kiều mạch nguyên chất, rau dền và cảm nhận. Nếu sau đó bạn ăn lại gluten và nhận thấy các triệu chứng quay trở lại thì tốt nhất là loại bỏ thực phẩm có gluten.

2.2 Thực phẩm nên tránh

Hạn chế tác dụng của caffeine: Caffeine có thể kích thích quá mức tuyến thượng thận, làm gián đoạn giấc ngủ. Nhưng nếu bạn thấy mình thèm caffeine, có thể cortisol hoặc lượng đường trong máu thấp hoặc serotonin bị mất cân bằng. Thay vì uống một cốc caffeine sau đó, hãy nghỉ ngơi một chút, thử hít thở sâu hoặc đi bộ 10 phút.

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo và calo: Những người mắc bệnh suy tuyến thượng thận có nguy cơ mắc bệnh béo phì và loãng xương cao hơn do họ cần dùng thuốc steroid lâu dài. Vì lý do này, nên cố gắng tránh ăn thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo và calo - chẳng hạn như khoai tây chiên, đồ nướng - có thể gây tăng cân.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại thực phẩm làm tăng nguy cơ loãng xương, ví dụ như thịt chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế, nước ngọt, đồ chiên rán, chất làm ngọt nhân tạo. Vì những người mắc bệnh suy tuyến thượng thận có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn nên đây là những thực phẩm cần tránh hoặc thỉnh thoảng ăn một lượng rất nhỏ.

Không nên ăn nhiều các loại carbohydrate đã tinh chế.

3. Tham khảo thời điểm ăn tốt cho người bị suy tuyến thượng thận

Theo mạng lưới sức khỏe phụ nữ (Women's Health Network), xác định thời điểm tốt nhất để ăn, các chất dinh dưỡng người bệnh cần và những thực phẩm cần tránh rất có lợi cho sức khỏe tuyến thượng thận, giúp người bệnh tràn đầy năng lượng cả ngày, có được giấc ngủ ngon vào ban đêm.

Kế hoạch bữa ăn và thời điểm ăn

Ăn uống để tốt cho sức khỏe tuyến thượng thận bắt đầu bằng việc hỗ trợ chu trình cortisol tự nhiên của cơ thể từ đó làm giảm căng thẳng cho tuyến thượng thận. Mục đích là để ngăn chặn hầu hết các đợt tăng đột ngột của cortisol được kích hoạt khi bạn nhịn ăn quá lâu. Theo thời gian, nồng độ cortisol không ổn định hoặc cao dễ gây ra các triệu chứng mệt mỏi tuyến thượng thận rất khó chịu và làm thay đổi đường cong cortisol tự nhiên của người bệnh.

Để giữ mức cortisol của người bệnh ở mức ổn định nhất có thể, hãy ăn ba bữa chính và hai đến ba bữa ăn nhẹ trong ngày.

Mức cortisol tuân theo một chu kỳ tự nhiên phù hợp với nhịp sinh học của bạn. Thông thường, cortisol bắt đầu tăng vào khoảng 6 giờ sáng và đạt mức cao nhất vào khoảng 8 giờ sáng. Trong suốt cả ngày, cortisol giảm dần và tự nhiên - với mức tăng nhẹ vào giờ ăn - để chuẩn bị cho cơ thể bạn nghỉ ngơi vào ban đêm, do đó việc tính giờ cho các bữa ăn và bữa ăn nhẹ có thể giúp cân bằng mức cortisol.

Mô hình điển hình của nồng độ cortisol trong ngày. Lưu ý sự dao động trong quá trình bài tiết, cũng như sự tăng tiết hàng ngày một giờ hoặc lâu hơn sau khi thức dậy vào buổi sáng.

Mô hình điển hình của nồng độ cortisol trong ngày. Lưu ý sự dao động trong quá trình bài tiết, cũng như sự tăng tiết hàng ngày một giờ hoặc lâu hơn sau khi thức dậy vào buổi sáng.

Nếu bạn không thể tuân theo thời gian khuyến nghị cho các bữa ăn và bữa ăn nhẹ mỗi ngày, hãy ghi nhớ những nguyên tắc sau:

Bữa sáng: Ăn một bữa sáng bổ dưỡng trong vòng một giờ sau khi thức dậy sẽ tiếp thêm năng lượng cho quá trình trao đổi chất và hỗ trợ mức cortisol của bạn suốt cả ngày. Bữa sáng bổ sung một ít protein như một quả trứng, một ít sữa chua.

Bữa trưa: Ăn bữa lớn nhất vào giữa ngày giúp giữ cân bằng cortisol. Hãy dành nhiều thời gian để ăn và chọn một khung cảnh thoải mái. Bữa ăn yên tĩnh cũng ảnh hưởng tốt đến sức khỏe tuyến thượng thận.

Bữa tối: Cố gắng ăn bữa tối sớm (khoảng 17h-18h chiều). Xu hướng ăn quá nhiều vào bữa tối, trước khi đi ngủ với dạ dày no và các hormone căng thẳng được kích hoạt có thể ngăn cản giấc ngủ ngon (dẫn đến lượng hormone căng thẳng cao hơn vào ngày hôm sau).

Không nên ăn vội vàng, hãy tập trung vào hương vị và kết cấu của món ăn. Nếu bạn vẫn cảm thấy đói sau bữa ăn nhẹ, đừng ăn thêm mà hãy uống nước để vừa no bụng vừa cung cấp đủ nước cho cơ thể qua đêm.

Người bệnh nên sắp xếp thời gian ăn uống hợp lý để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ăn sáng và ăn đều đặn trong ngày sẽ giúp ích. Bỏ bữa sáng, bữa trưa buộc cơ thể phải đốt cháy các chất dinh dưỡng dự trữ làm giảm mức năng lượng. Nếu bạn cân bằng các bữa chính và bữa ăn nhẹ đều đặn sẽ duy trì mức năng lượng cả ngày.

Để có kết quả tốt nhất, nên kết hợp chế độ ăn kiêng với những thay đổi lối sống khác như thiết lập lịch trình ngủ lành mạnh, kiểm soát mức độ căng thẳng và hoạt động thể chất nhiều.

Một số khuyến nghị về chế độ ăn uống cụ thể sẽ tùy thuộc vào tình trạng riêng của người bệnh, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có một kế hoạch ăn kiêng phù hợp nhất với tình trạng cá nhân. Hãy nhớ rằng việc nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống rất quan trọng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.

Thùy Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-tot-cho-nguoi-benh-suy-tuyen-thuong-than-169240516224212332.htm