Châu Âu thông qua hiệp ước toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo

Hiệp ước ràng buộc pháp lý toàn cầu đầu tiên bảo đảm tôn trọng nhân quyền, pháp quyền và các tiêu chuẩn pháp lý dân chủ trong sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Hiệp ước do Hội đồng châu Âu thông qua ngày 17-5 (giờ địa phương) tại cuộc họp thường niên của Ủy ban Hội đồng Bộ trưởng châu Âu đã đặt ra khung pháp lý đối với “vòng đời” của AI, hướng tới giải quyết những rủi ro của công nghệ này và thúc đẩy đổi mới có trách nhiệm.

Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Marija Pejcinovic cho biết, hiệp ước sẽ bảo đảm AI duy trì quyền của người dân. Đó là sự đáp ứng nhu cầu về một tiêu chuẩn pháp lý quốc tế được hỗ trợ bởi quốc gia ở các châu lục khác nhau, nhằm khai thác lợi ích và giảm thiểu rủi ro của công nghệ này.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo đòi hỏi những biện pháp quản lý hiệu quả. Ảnh: Reuters

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo đòi hỏi những biện pháp quản lý hiệu quả. Ảnh: Reuters

Hiệp ước là thành quả sau 2 năm nỗ lực của Ủy ban Trí tuệ nhân tạo (CAI) - cơ quan liên chính phủ tập hợp 46 quốc gia thành viên Hội đồng châu Âu, Liên minh châu Âu và 11 quốc gia không phải thành viên.

Các bên tham gia sẽ không bắt buộc phải áp dụng những quy định của hiệp ước đối với hoạt động liên quan đến bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia nhưng có nghĩa vụ bảo đảm hoạt động này tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như các thể chế và quy trình dân chủ.

Hiệp ước sẽ không được áp dụng đối với các vấn đề quốc phòng, hoạt động nghiên cứu và phát triển, trừ khi việc thử nghiệm AI có thể dẫn đến sự can thiệp vào nhân quyền, dân chủ hoặc pháp quyền.

Hiệp ước cũng yêu cầu các bên thiết lập cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm sự tuân thủ, nâng cao nhận thức và thực hiện tham vấn về phương pháp sử dụng AI.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chau-au-thong-qua-hiep-uoc-toan-cau-dau-tien-ve-tri-tue-nhan-tao-666679.html