Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Là huyện biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, Bù Gia Mập đang thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống đồng bào DTTS gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2024, với chuyên đề 'Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS', huyện biên giới Bù Gia Mập đang đẩy mạnh và lan tỏa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Kịp thời giải quyết nhu cầu người dân

Trong những ngày qua, nắm bắt kịp thời tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn, huyện Bù Gia Mập đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 giếng khoan tập trung có bồn chứa nước, giúp người dân ổn định đời sống. Giải quyết vấn đề trước mắt cũng là kế sách lâu dài để người dân biên giới, đồng bào DTTS càng thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương. Bà Thị Héc ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập chia sẻ: Vừa qua, người dân trên địa bàn xã rất khó khăn vì tình trạng khô hạn kéo dài, nhiều loại cây trồng như tiêu, cà phê bị chết khô. Các giếng nước cạn hết, chúng tôi phải mua nước sinh hoạt. Tuy nhiên, sau đó Nhà nước đã kịp thời xây giếng khoan tập trung để cung cấp nước sinh hoạt. Bà con rất vui mừng, phấn khởi.

Người dân thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập sử dụng nước giếng khoan tập trung được Nhà nước đầu tư xây dựng

Người dân thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập sử dụng nước giếng khoan tập trung được Nhà nước đầu tư xây dựng

Bên cạnh giải quyết nhu cầu trước mắt, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS hay chung tay xây dựng nông thôn mới đang được tỉnh, huyện và các xã đông đồng bào DTTS tập trung thực hiện. Qua đó, mỗi người dân vùng DTTS được chăm sóc tốt hơn cả về đời sống vật chất và tinh thần. Bà Thị Lơi ở xã Bù Gia Mập cho biết: Chúng tôi sinh sống tại thôn giáp biên xã Bù Gia Mập, chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện tới xã luôn quan tâm đời sống đồng bào DTTS nơi đây. Từ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đường sá khang trang, nhà ở cho đồng bào, trao tặng dụng cụ lao động, sản xuất đến hỗ trợ nước sinh hoạt cho bà con trong nắng hạn. Riêng gia đình tôi được tặng bò giống, trao nhà đại đoàn kết và hỗ trợ nông cụ sản xuất. Người dân biên giới luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã kịp thời giải quyết nhu cầu của chúng tôi.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Bù Gia Mập triển khai 10 tiểu dự án; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi với 1.210 hộ được hưởng. Trong đó, tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Gia Mập cho biết: Thông qua việc đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt thường xuyên, nhiều vấn đề nổi cộm đã được đưa ra thảo luận, giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, giáo dục, định hướng cán bộ, đảng viên hành động theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong thực tiễn công việc và cuộc sống hằng ngày. Các chi, đảng bộ trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; duy trì việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác. Điển hình như: Đảng ủy Quân sự huyện đang thực hiện các mô hình giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học của Trường tiểu học Kim Đồng; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể làm công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy xã Đức Hạnh triển khai rộng khắp mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế bằng cách cho vay vốn không lấy lãi; vận động quyên góp xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; góp vốn cho vay xoay vòng. Chi bộ Phòng Văn hóa - Thông tin, Chi bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm, giúp người nghèo”…

Những con đường đất đỏ trước đây hiện đã được thảm nhựa rộng rãi, tạo thuận lợi cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Bù Gia Mập đi lại, giao thương phát triển kinh tế

Những con đường đất đỏ trước đây hiện đã được thảm nhựa rộng rãi, tạo thuận lợi cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Bù Gia Mập đi lại, giao thương phát triển kinh tế

Năm 2023, với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, việc học và làm theo Bác trên địa bàn huyện biên giới Bù Gia Mập đã đem lại những kết quả rõ rệt từ công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm tại địa phương. Cụ thể, đến tháng 11-2023, trên địa bàn huyện giảm còn 837 hộ nghèo, chiếm 3,96% dân số; số hộ cận nghèo là 772, chiếm 3,65%; toàn huyện giải quyết việc làm cho 2.770 lao động, đạt 106,5%; gần 600 lao động được đào tạo nghề, đạt 127,7%. Ngoài ra, tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng được triển khai thực hiện hiệu quả.

Bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực trong mỗi cán bộ, đảng viên và sức mạnh đoàn kết của người dân, đến nay huyện Bù Gia Mập có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống người dân đang đổi thay từng ngày.

Lê Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/65/157804/cham-lo-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so