Cánh diều ngũ sắc

Tháng Năm chói nắng, bằng lăng tím nở bạt ngàn con đường ven hồ Sim. Lúa trên đồng đã hoe màu chuẩn bị chín. Cảnh sắc như thúc giục con người ta nên đi đâu đó hòa mình vào thiên nhiên nắng gió và hãy làm điều gì đó thật đẹp đẽ. Chị Hạnh nghĩ đến chuyến đi Nghệ An với bố mà háo hức không ngủ được. Chị mắc võng ra gốc mít nằm lim dim dưới tán lá, nghĩ vu vơ.

Ngoài 40 tuổi, có gia đình riêng, con cái đủ đầy, bỗng một ngày được đưa bố đi tìm bạn cũ thấy cứ nôn nao kỳ lạ. Mẹ đã chuẩn bị đồ đạc, hành lý mang theo rất chu đáo. Sớm mai sẽ lên đường. Trong ba lô có một thứ đặc biệt, đó là bức vẽ chân dung Bác Hồ to bằng tờ giấy A4 đã ố vàng bởi thời gian. Chữ ký cuối bức họa như run rẩy. Hạnh hồi tưởng lại những chuyến xe khách đi miền núi đầy bão táp năm nào, gió bụi cuốn mù mịt, gà lợn, chó mèo cùng bao gương mặt phờ phạc trên xe. Hồi đó đường ổ voi, ổ gà khủng khiếp. Giờ mọi thứ đã đổi thay. Chuyến này, bố con Hạnh sẽ đi tàu hỏa.

 Minh họa: Hiền Nhân.

Minh họa: Hiền Nhân.

Hạnh nhớ, hồi học lớp bốn, bố đã đưa chị em Hạnh ra thăm Lăng Bác ngoài Hà Nội. Nhớ mãi cảm giác ở ngoài thì nóng mà vào trong Lăng cứ mát lịm. Hồi sinh viên được đi vào làng Sen quê Bác cùng với lớp. Nghe chị hướng dẫn viên nói trên loa, ai cũng khóc vì cảm động. Ở nhà chị, bức ảnh Bác Hồ luôn được treo ở vị trí trang trọng trong phòng làm việc của bố. Mẹ từng bảo: “Kể mà tốt duyên thì bố con làm rể Nghệ An đấy chứ, đâu đến lượt mẹ”. Bố chỉ cười, hồi lâu mới nói: “Bà trúng số độc đắc còn gì, thời ấy bom đạn còn sống là may lắm rồi, như bây giờ là cô ấy chiến thắng chứ đùa…”.

Mẹ nguýt dài một cái rồi chậm rãi quay về phía Hạnh: “Nói gì thì nói, không có cô ấy thì bố con đâu còn sống mà trở về, ơn lớn thế, làm sao quên được, chiến tranh khiến nhiều chuyện lỡ dở, mẹ mà không bận cụ ốm mẹ cũng muốn đi”. “Thôi, mẹ đi để bố mất tự nhiên à, con đi cùng bố là chuẩn nhất”. “Ừ, con đi với bố, có thế nào nhớ điện về cho mẹ”. Hai mẹ con thủ thỉ hồi lâu.

Bóng chiều rạp xuống. Hoàng hôn về trên đỉnh núi Vua cạnh hồ Sim. Những đám mây hồng tía đủ màu tạo thành muôn hình kỳ dị. Hạnh ngồi ghi chép bên cửa sổ. Công việc của một người làm nghề viết luôn thôi thúc chị ghi chép hoặc viết một điều gì đó. Lần này, chắc hẳn chị sẽ kể lại câu chuyện này cho bạn đọc. Cuộc đời luôn cần những ký ức tươi đẹp, rực rỡ. Các bạn trẻ phải được biết ông cha mình từng có thời thanh xuân thế nào, đã yêu và sống ra sao ?… Tâm trí Hạnh dồn lại, như một cuộn phim tua chậm.

Đêm ấy, sau ca đại phẫu, bố chị đã tỉnh lại, hơi thở còn yếu nhưng chị nghe rõ tiếng bố nói rất vui “sống rồi”. Mấy đêm sau, bố đã kể cho Hạnh về bức vẽ Bác Hồ.

… Mùa khô năm ấy, sau nhiều trận đánh ác liệt, anh bộ đội nổi tiếng đẹp trai, hát hay của đơn vị pháo binh bị thương nặng phải về tuyến sau điều trị. Trạm cứu chữa thương binh cắm ngay giữa rừng miền Đông Nam Bộ. Những cơn sốt dài liên miên đã nhấn chìm anh chàng Chiến vào những hố sâu mê man, bất tỉnh. Vết thương lớn trên vai và mạng sườn suýt cướp đi sinh mạng của anh. Cuộc phẫu thuật tại chỗ thành công nhưng anh mệt lả, đau đớn. Ngày thứ 12 anh tỉnh lại, ngồi bên là cô y tá dáng người nhỏ nhắn giọng miền Trung đang bón cho anh từng thìa cháo loãng.

“Rứa là anh đã tỉnh lại, người mô gan lì khủng khiếp”. Nụ cười của cô gái như làn suối mát. “Cảm ơn em, em tên gì”. “Dạ, có chi mô mà cảm ơn, ngày nào tụi em chẳng làm việc ni, em là Ngần ạ”. “Ừ, Ngần trẻ quá, vậy mà đã vào chiến trường”. “Em 19 rồi, trẻ chi, còn anh?”. “24 mùa rau lợn em ạ”. Cô gái tròn mắt, mỉm cười. Những ngày sau đó, câu chuyện giữa hai người thân thiết hơn, họ đã kể về quê hương, gia đình, bố mẹ, các anh chị em .. và cả ước mơ tuổi trẻ.

Anh Chiến về sẽ lại làm thầy giáo vì lúc vào chiến trường anh đã tốt nghiệp trường sư phạm, còn Ngần mơ ước làm hướng dẫn viên du lịch. Quê anh ở Bắc Giang, Ngần ở gần làng Sen quê Bác. Có lúc trạm tiếp nhận nhiều chiến sĩ bị thương, anh Chiến nằm bất lực nhìn Ngần vất vả chăm sóc vết thương cho đồng đội. Có lúc thấy Ngần ôm vai khóc run lên trong góc tối. Lại một ai đó hy sinh…

Gần một tháng dưỡng thương là chừng đó thời gian nhen nhúm giữa hai người một thứ tình cảm quý mến khác lạ, có thể chưa hẳn là tình yêu nhưng nó thật trìu mến, chân thành và gần gũi. Ngần chăm từng bữa ăn, giấc ngủ cho anh. Anh kể cho Ngần nghe những câu chuyện làng quê, những kỷ niệm sinh viên đầy sức sống tuổi trẻ, đọc cho Ngần nghe những bài thơ viết dọc đường hành quân… Ngày anh Chiến được chuyển về trung tâm điều dưỡng thương binh ngoài miền Bắc, Ngần thút thít mắt đỏ hoe.

Cô đặt bàn tay nhỏ nhắn lên ngực anh. Chiến nắm bàn tay cô gái dặn giữ gìn sức khỏe, hết chiến tranh sẽ gặp lại nhau. Ngần tặng anh bức tranh chân dung Bác Hồ có chữ ký của họa sĩ nổi tiếng. Còn anh tặng lại cho Ngần một cánh diều bằng vải thêu năm màu rực rỡ. Chỉ cần ráp miếng vải này vào khung tre là được một con diều sáo tuyệt đẹp. Chính anh Chiến đã tỉ mẩn ngồi khâu từ những miếng vải dù rồi thêu chỉ màu lên. Anh định sẽ mang về cho em trai út, tặng Ngần, anh sẽ làm cho em trai thứ khác…

Chiến tranh đã xô đẩy, làm con người ta lạc mất nhau với hàng nghìn lý do không thể cắt nghĩa. Xuất ngũ, bố Chiến của Hạnh đi dạy học tận Hà Giang, một thương binh sức khỏe kém khó có thể lặn lội đi tìm lại Ngần. Có lúc, bố Chiến đã mặc cảm, cô ấy trẻ đẹp thế, sẽ không thể chấp nhận một người không lành lặn. Vài năm sau thì bố Chiến cưới mẹ của Hạnh - một cô giáo cùng trường rồi hàng chục năm sau mới chuyển về quê.

Bức vẽ chân dung Bác Hồ luôn đi theo gia tài của bố mẹ Hạnh, được treo ở vị trí trang trọng. Kỷ niệm vẫn giữ trong lòng, bố Chiến chưa thể đi tìm cô y tá năm xưa. Những chăm sóc ân tình và cái nắm tay vội vã luôn nằm đâu đó xa khuất đáy tâm hồn người cựu chiến binh. Gần đây, nhờ họp đồng đội cũ, ông Chiến lần ra manh mối về Ngần nên nói chuyện. Vợ con đều giục ông nên đi một chuyến.

Đoàn tàu dừng ở ga Vinh. Hai bố con chị Hạnh gọi tắc-xi về ngoại ô thành phố. Cảnh vật tươi đẹp và lạ lẫm làm cho ông Chiến xúc động. Người lái xe bảo chỉ chừng 20 cây số là đến địa chỉ bác cần tìm thôi. Chị Hạnh nói nên ăn cơm trưa rồi đi tiếp. Bữa cơm ở quê hương của Ngần sau mấy chục năm bom đạn bỗng làm cho người lính già nghẹn ngào…

Trong ngôi đền lưng chừng núi có một canh hầu. Đèn nhang lộng lẫy, bên trong bài trí trang hoàng, rực rỡ. Đang vào giá Quan Hoàng Mười. Khoảng vài chục người ngồi kín trước điện thờ. Lời hát văn da diết cất lên: “Thu qua... đông về xốn xang bao người/ Lại đi xứ Nghệ sắm cau trầu lễ Quan Hoàng Mười/ Người ta... ngược xuôi Nam Bắc đi về bốn phương/ Ai cũng vô ra đền ông sớm tối đèn hương/ Khói sương mơ màng Quan Hoàng về đây loan giá/ Độ cho ghế Hoàng cung vàng bóng đẹp đồng xa…/ Trầu cau con kính dâng Quan Hoàng/ Thanh đồng các ghế con vừa têm, thành tâm kính dâng lên/ Hoàng về ngự vui Thanh đồng con xiết bao mong chờ/ Tỏ lòng chân kính cúi xin Hoàng về độ cho”…

Thanh đồng phúc hậu và xinh đẹp mặc quần áo hầu màu vàng rực rỡ đang ốp bóng ông Hoàng. Chẳng lẽ? Địa chỉ đã hỏi kỹ đúng là chỗ này - ông Chiến lẩm bẩm, ngạc nhiên nhìn con gái. Chị Hạnh dặn bố ngồi ngoài ghế bên ngoài điện để chị vào quan sát. Như một đệ tử mộ đạo, chị Hạnh đặt lễ rồi ngồi cạnh đám đông quan sát. Ngôi đền khá bề thế và đông người thăm viếng. Thủ nhang là một người đặc biệt được gọi “cô đồng Năm”. Cô tuy có tuổi, mà không thể đoán chính xác là 50, 60 hay là bao nhiêu, bởi đường nét không còn trẻ, nhưng không phải già.

Chị Hạnh bỗng đứng tim, suýt kêu lên khi mắt chị gặp trúng một cánh diều ngũ sắc treo lơ lửng trên nóc xa nhất của ngôi đền, cạnh đó là hình nộm cặp bạch xà uốn khúc trên hai xà ngang. Đúng là cánh diều của bố rồi, Hạnh thầm nhủ và đi ra ngoài. Ông Chiến run run theo con gái đi vào cửa điện. Đông người thế kia chắc là không tiện, cô đồng đang hầu sẽ khó xử, mà không chắc người đó phải Ngần không. Sau bao nhiêu năm, chẳng lẽ Ngần lại làm thanh đồng? Trong trí tưởng tượng của ông, có thể Ngần làm một cán bộ hưu mới đúng. Hai bố con ngồi xa.

Ông Chiến cũng bị cuốn vào các giá hầu. Nhưng kìa, động tác vén tóc kia đúng là của cô Ngần hồi đó. Ký ức ông chìm đắm bao kỷ niệm mờ xa, hình bóng cô y tá chiến trường hiện dần lên rõ nét và xúc động. Người sửa khăn áo cho thanh đồng mang đến thưởng ông một điếu thuốc lá và tờ tiền 50 nghìn khi bóng ban lộc.

Thanh đồng thay xiêm áo rồi đến trước mặt hai bố con ông Chiến: “Rồi cuối cùng người cũng đến, xin mời quý Ngài dự hầu, lát xong lễ mời ở lại tiệc trà”. Lời nói có gì đó khách sáo, trang nghiêm bởi đang buổi hầu đông khách nhưng khóe mắt đã chừng ướt long lanh. Vậy là Ngần đã nhận ra ông. Ông Chiến thấy nhói trong ngực như điện chích. Chị Hạnh bấm vào tay bố nhắc bình tĩnh dự hết canh hầu. Cánh diều ngũ sắc trong điện cứ như sáng lên, chực giằng đứt dây bay ra.

Tan đám hầu, cô đồng Năm mặc bộ bà ba nâu đến trước mặt bố con ông Chiến: Anh Chiến! cho em ôm anh một cái, mấy chục năm rồi. Chắc con gái bố Chiến hả? Đừng cười cô nhé. Hai người lính ôm nhau rồi hai khuôn mặt nhòe nước mắt. Vừa khóc, vừa cười. “Hồi ấy, năm sau thì em ra quân, về nhà cũng nghĩ anh sẽ tìm em; em thì chỉ biết anh ở Bắc Giang, quên không hỏi xóm xã sao biết ở đâu. Mẹ em thì giục lấy chồng, nhưng không, em đi học đại học, học xong mới lấy ông xã em. Hai cháu nhà em đi công tác cả rồi.

Ông xã em làm chủ một trang trại hoa dưới thung lũng kia, lát nữa mời hai bố con anh về dưới đó nghỉ ngơi. Em giờ làm thủ nhang sống vui tuổi già”. “Em học đại học gì”? “Anh có đoán nổi không? Đại học Sân khấu Điện ảnh, về làm diễn viên Đoàn Nghệ thuật của tỉnh anh ạ”. “Anh lại tưởng em học hướng dẫn viên du lịch chứ”? “Vâng, thích thế đấy xong rồi em lại mê sân khấu, mê hát hò, lại còn làm cô đồng mấy chục năm rồi nữa chứ.

Còn anh, ba cái xương sườn bị mất của anh chắc hành hạ anh ghê lắm nhỉ”. Bà Ngần cười như tỏa nắng. “Nụ cười đẹp thật, thảo nào bố mình mê” - chị Hạnh nhủ thầm. Ông Chiến nhìn dòng chữ Nghệ nhân Nhân dân - thanh đồng Phạm Bích Ngần (cô đồng Năm) trên tấm Bằng khen gật đầu. Hạnh đi ra ngoài cho hai người già hàn huyên.

Bà Ngần dẫn ông ra sườn núi, nơi có căn chòi nhỏ, chỉ tay xuống thung lũng: “Em vẫn giữ quà anh tặng, chắc anh nhìn thấy rồi, chồng em làm khung diều cho em đấy, hai ba năm lại làm lại một lần… Cuối cùng chủ của nó cũng trở lại. Ngày mai, em sẽ buộc dây và thả nó ra thung lũng kia, chưa bao giờ em làm thế”. Hay bàn tay nắm chặt. “Ơn trời em có một cuộc sống hạnh phúc, không thì anh thấy mình có lỗi”.

“Chẳng ai có lỗi cả, chiến tranh mà anh, lát nữa ông xã em cho xe lên đón anh và cháu về nhà”. Ông Chiến bỏ bức vẽ Bác Hồ ra cho Ngần xem rồi kể dường như Ngần vẫn hiện diện suốt mấy chục năm trong cuộc sống gia đình ông. Hai bóng người in trên vách núi. Hai người bàn đến chuyện ngày mai, tháo con diều ngũ sắc ra, nối dây thật dài cho nó bay lượn quanh thung lũng này, phía trên trang trại hoa.

Cuối cùng, cánh diều ngũ sắc đã tự do trong gió, đã giải tỏa bao hẹn chờ thấp thỏm trong quá khứ. Nó đã chứng kiến trọn vẹn những nhân duyên và kết nối kỳ lạ của kiếp người. Nó thực sự là hiện thân của niềm vui.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/canh-dieu-ngu-sac-081414.bbg