Căng thẳng vốn vay khi dự án chống ngập 10 nghìn tỷ 'đắp chiếu'

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Theo lãnh đạo BIDV, khoản vay cho dự án chống ngập trên đã được BIDV tài trợ vốn lên đến 7.090 tỷ đồng và đến nay đã quá thời hạn trả nợ gốc với số tiền lên tới 6.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 84% tổng dư nợ cho vay. Do đó BIDV đã phải thu xếp 4.091 tỷ đồng từ nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn cho NHNN. Hiện khoản vay tiếp tục đến hạn trả nợ còn hơn 569 tỷ đồng vào ngày 15/5 sắp tới. Đại diện ngân hàng này còn cho biết, nếu doanh nghiệp dự án không trả nợ đúng hạn, BIDV sẽ phải tiếp tục huy động nguồn vốn thương mại để trả nợ số tiền vay tái cấp vốn này cho NHNN.

Khu nhà vận hành dự án và một công trình cống ngăn triều.

Khu nhà vận hành dự án và một công trình cống ngăn triều.

Liên quan đến vấn đề trên, từ đề nghị của Văn phòng Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh, BIDV cũng đã nhiều lần đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc với kỳ vọng dự án sớm đưa vào vận hành và Công ty Trung Nam được UBND thành phố thanh toán để trả nợ vay tại BIDV. Ngày 11/1 vừa qua, BIDV đã họp với các sở, ngành của thành phố về phương án nguồn vốn để hoàn thành dự án. Tuy vậy, đến nay dự án vẫn chưa được tái khởi động trở lại. Điều này gây thiệt hại ngày càng lớn đối với ngân sách do phát sinh chi phí đầu tư, chi phí lãi vay.

Trong khi đó, thông tin về dự án này tại buổi tiếp xúc với cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào chiều 6/5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối của thành phố. Dù khối lượng của dự án đã hoàn thành 90%, nhưng phía nhà thầu, nhà đầu tư không còn vốn để triển khai tiếp. Trong khi đó, các chính sách vay vốn giá rẻ trước đây hoặc huy động vốn từ trái phiếu và từ các nguồn khác đều không có. Nhà đầu tư đã phải đề nghị thành phố thanh toán khối lượng đã thực hiện và được kiểm toán, UBND thành phố cũng đã thống nhất hướng giải quyết này nhưng theo quy định đây là dự án BT, phải hoàn thành xong mới được thanh toán.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2023 thành phố đã bố trí 5.700 tỷ đồng và năm nay bố trí 6.800 tỷ đồng nhưng vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Điều này đồng nghĩa với việc chưa thanh toán cho doanh nghiệp dự án để có tiền hoàn thiện dự án.

Nhằm gỡ khó cho các bên, BIDV đề nghị thành phố sớm xây dựng phương án để báo cáo, đề xuất Chính phủ có giải pháp tái khởi động lại dự án và trong thời gian chờ đợi. Lãnh đạo BIDV cũng đề nghị thành phố bố trí vốn thanh toán để Công ty Trung Nam trả một phần nợ đến hạn cho phía ngân hàng. Trước thực trạng doanh nghiệp dự án cần 1.800 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thành dự án, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã báo cáo Chính phủ cho phép cơ chế để nhà thầu có thể vay từ ngân sách đưa vào hoàn thiện dự án và việc này sẽ được thành phố nỗ lực thực hiện trong năm nay.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/cang-thang-von-vay-khi-du-an-chong-ngap-10-nghin-ty-dap-chieu-i730853/