Cần thiết sửa đổi Luật Địa chất và Khoáng sản

Dự kiến Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Quý Kiên cho biết, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng gồm 117 điều, với bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương, 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010). Và tăng 1 chương, giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua). Dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác. Cũng như tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, cũng như cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.

Luật Khoáng sản năm 2010 là hành lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp. Việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập...

Đáng chú ý, Bộ TNMT đề xuất Nhà nước đầu tư vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đem lại hiệu quả cao nhất cho ngân sách nhà nước, như quy định tại Điều 52 của dự thảo Luật.

Theo lý giải Bộ TNMT, khoản 5, Điều 3 của Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định “Nhà nước đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng”, tuy nhiên, trên thực tế, nội dung này chưa được quan tâm thực hiện. Trong khi đó, việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thăm dò khoáng sản nhằm đánh giá đầy đủ quy mô, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò là vô cùng quan trọng, đối với việc quản trị, sử dụng nguồn lực tài nguyên với ý nghĩa là tài sản công, tài sản quốc gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Khoáng sản được ban hành từ năm 2010 đến nay đã qua 14 năm thực hiện, với sự phát triển của kinh tế - xã hội nên nhiều nội dung của Luật không còn phù hợp. Những hạn chế của Luật cản trở hoạt động quản lý nhà nước hiệu quả. Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản 2010 mới chỉ quy định các vấn đề liên quan đến khoáng sản, mà chưa có các quy định về địa chất. Vì thế, việc sửa đổi là cần thiết.

Theo PGS.TS Lương Quang Khang (Trường Đại học Mỏ - Địa chất), dự thảo Luật đã cơ bản đồng bộ với các pháp luật liên quan, có tính khả thi, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả. Tuy nhiên, việc phân nhóm khoáng sản là một trong những điểm mới của dự thảo đối với khoáng sản nhóm II - bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng cần chính xác lại để phù hợp với Quyết định số 1626 ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Còn TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Khoa Pháp luật hành chính Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi và ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết. Tuy nhiên, tại khoản 17, Điều 3 quy định hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản; Luật đã định nghĩa thăm dò, khai thác là gì nhưng không định nghĩa đóng cửa mỏ, vì vậy dự thảo cần bổ sung để bảo đảm xác định rõ ràng, minh bạch những hoạt động mà tổ chức, cá nhân phải thực hiện khi đóng cửa mỏ.

HÀ AN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-thiet-sua-doi-luat-dia-chat-va-khoang-san-10280190.html