Cần hỗ trợ người tạm trú làm căn cước công dân

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Ðề án 06). Ðề án đặt mục tiêu đảm bảo 100% công dân là người Việt Nam đều có căn cước công dân (CCCD), để tích hợp nhiều loại giấy tờ có liên quan khác. Ðã qua, các cấp, ngành tỉnh có nhiều nỗ lực, trong đó có tổ chức các đợt cao điểm ra quân triển khai làm thẻ CCCD cho người dân trên địa bàn tỉnh, đạt kết quả đáng ghi nhận. Song, hiện vẫn còn một số người dân gặp khó khăn trong việc làm thẻ CCCD, cần được hỗ trợ.

Nhiều người có sổ tạm trú, sổ hộ nghèo nhưng chưa làm được CCCD. (Ảnh minh họa).

Nhiều người có sổ tạm trú, sổ hộ nghèo nhưng chưa làm được CCCD. (Ảnh minh họa).

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Giang, sinh năm 1983, đang tạm trú tại Khóm 2, Phường 8, TP Cà Mau. Bà Giang cho biết, bà quê ở xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, khi lập gia đình thì theo chồng về sống tại Phường 8, đến nay đã 28 năm. Trước đây gia đình thuộc hộ nghèo của Phường 8, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), cuối năm 2023, được chính quyền địa phương hỗ trợ, cuộc sống tạm ổn định nên gia đình xin thoát nghèo. Hiện trong sổ hộ khẩu của gia đình, chồng bà, ông Nguyễn Văn Minh, đứng tên chủ hộ, cùng các người con, còn bà thì không có tên trong sổ. Trước giờ bà cũng không có chứng minh Nhân dân, đã nhiều lần lên phường để làm CCCD nhưng không làm được. Vì không có CCCD, bà không thể sử dụng được thẻ BHYT được cấp khi cần khám chữa bệnh.

Bà Nguyễn Kim Hường, chị chồng bà Giang, cùng ngụ Khóm 2, Phường 8, cho biết: “Giang không biết chữ, ở quê làm lụng tay chân nên về giấy tờ không rành. Tôi là người trực tiếp đưa Giang đi làm CCCD ở phường. Từ đây mới biết trước đến giờ Giang không có giấy khai sinh, cũng chưa từng có tên trong hộ khẩu của mẹ ruột ở xã Tân Thuận, đến khi có chồng, hộ khẩu cũng chỉ có tên chồng và 2 con. Cán bộ phường có hướng dẫn quay về địa phương làm giấy xác nhận nhân thân. Nay đã có giấy xác nhận nhân thân, làm được bản sao giấy khai sinh, làm luôn tờ khai thay đổi thông tin cư trú và sổ tạm trú do chính Giang làm chủ hộ. Nhưng không hiểu sao đã nộp đủ thủ tục theo hướng dẫn mà đến nay vẫn chưa làm được CCCD cho nó”.

Bà Giang được cấp BHYT nhưng không dùng được vì không có CCCD.

Bà Giang được cấp BHYT nhưng không dùng được vì không có CCCD.

Trường hợp anh Quách Thanh Tuấn, ngụ Khóm 6, Phường 1, TP Cà Mau, cũng tương tự. Cha anh là ông Quách Thái Sơn, từ khi lập gia đình đến nay hơn 40 năm vẫn chưa tách hộ khẩu, mẹ anh Tuấn, anh và 7 người em của anh cũng không có tên trong hộ khẩu.

“Cha tôi thì còn dính trong sổ hộ khẩu bên nội, nhưng đất đai nội đã bán hết rồi, giờ không biết hộ khẩu còn không nữa. Còn mẹ thì sống tạm trú ở phường mấy chục năm nay. Mình không có đất, tách hộ khẩu không được. Thế nên, từ đó đến giờ mẹ tôi có bệnh thì tự chịu chi phí khám chữa bệnh, chứ không được dùng thẻ BHYT. Nói chung là khó khăn dữ lắm”.

Phóng viên có liên hệ với UBND Phường 1 để tìm hiểu thêm về trường hợp của anh Tuấn. Ông Trần Hoàng Kiệt, Phó chủ tịch UBND Phường 1, cho biết: “Phường còn nhiều trường hợp giống với trường hợp anh Tuấn. Phường đã chỉ đạo các khóm rà soát kỹ các trường hợp tạm trú trên địa bàn. Những trường hợp nào tạm trú ở phường từ 15 năm trở lên sẽ hỗ trợ cấp giấy khai sinh, công an sẽ hỗ trợ cấp mã định danh để được sử dụng BHYT. Riêng trường hợp anh Tuấn, mới đây công an đã cấp mã định danh cho mẹ và anh em của anh Tuấn để có thể mua BHYT, đã hướng dẫn gia đình về thủ tục cấp thẻ CCCD”.

Ðại tá Trần Văn Thi, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, Công an tỉnh đang thực hiện cấp CCCD theo quy định tại Luật CCCD năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công dân khi làm thủ tục cấp CCCD không phải xuất trình giấy khai sinh hay sổ hộ khẩu (theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023). Công dân chỉ cần nộp hồ sơ trực tuyến làm thủ tục cấp CCCD trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an (hoặc đến trực tiếp Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, cơ quan công an cấp huyện để được hướng dẫn). Sau đó đến cơ quan công an (nơi công dân đã đăng ký trên Cổng dịch vụ công) để lăn tay, chụp ảnh và đóng lệ phí theo quy định. Theo quy định hiện hành, công dân phải đến Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh hoặc công an cấp huyện nơi công dân đăng ký thường trú, tạm trú để làm thủ tục cấp CCCD và không phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hay bất kỳ giấy tờ nào khác”.

Không cần xuất trình, chứ không phải là không cần phải có. Có nghĩa là, những giấy tờ này không cần mang theo, nhưng khi tra cứu trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì hồ sơ về những người này không có, bắt buộc họ phải quay về địa phương làm lại, nhưng làm bằng cách nào thì phía lực lượng chức năng còn bỏ ngỏ (?).

Qua ghi nhận của phóng viên, thực tế các hộ này đa phần là hộ nghèo, sống bằng nghề lao động chân tay, đôi khi sức khỏe còn tốt nên họ chưa quan tâm đến việc đi làm giấy tờ. Với lại, việc xác minh nơi cư trú... buộc họ phải đi lại nhiều lần rất mất thời gian, cuộc sống lo chạy gạo từng bữa nên họ đành để đó, rồi cứ đợi từ từ, cho đến khi hết thời gian thì không biết cách làm lại. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng chức năng, cần tư vấn kỹ, ghi chú cẩn thận để hướng dẫn người dân tốt hơn, tránh để người dân đi lại nhiều lần, để vừa không tốn chi phí, vừa không mất thời gian./.

Kim Cương - Băng Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-ho-tro-nguoi-tam-tru-lam-can-cuoc-cong-dan-a31675.html