Cần gỡ chính sách, mở cánh cửa xuất khẩu cho tinh dầu quế

Việt Nam sản xuất khoảng 2.000 tấn tinh dầu quế/năm, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô sang Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… Tuy nhiên, gần đây, hoạt động xuất khẩu tinh dầu quế gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý.

Quế là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gia vị Việt Nam chiếm 21,4% thị phần xuất khẩu sau hồ tiêu.

Không phải dược nhưng phải quản lý như dược

Hiện tại đang là thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch quế ở một số địa phương phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái. Tuy nhiên, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu tinh dầu quế cho biết, năm nay không dám sản xuất nhiều, đồng thời cũng thận trọng trong việc ký kết đơn hàng xuất khẩu.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ lo ngại không thể xuất hàng được vì vướng quy định về chính sách quản lý xuất khẩu mặt hàng này.

Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Lào Cai.

Theo tìm hiểu được biết, năm 2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 48/2018/TT-BYT ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Theo đó, nhiều mặt hàng như tỏi, gừng, hành, sả; các loại tinh dầu quế, cam, chanh, sả… phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự như dược liệu. Tức là, khi làm thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược. Để có được giấy phép này, doanh nghiệp phải đáp ứng một loạt tiêu chí về nhà xưởng, phương tiện, thiết bị chế biến, điều kiện vệ sinh, trình độ nhân viên.

Trong khi, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sản phẩm tinh dầu quế hiện nay xuất đi chủ yếu chỉ được sử dụng trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, vệ sinh nhà cửa…, chứ không phải là dược liệu, làm thuốc.

Quy định này không phù hợp với điều kiện sản xuất, sản phẩm và thị trường tiêu thụ, cũng như năng lực chế biến quy mô nhỏ lẻ của ngành chế biến tinh dầu quế của Việt Nam hiện nay. Cho nên, việc quản lý như vậy là không cần thiết và gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Theo VPSA, tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn không thể xuất khẩu và ước tính hết vụ quế vào tháng 3 - 4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn tinh dầu nữa. Giá trị thị trường của tinh dầu quế hiện khoảng 400 triệu đồng/tấn.

Thông tư số 48 đã “gây vướng” ngay khi được ban hành. Sau nhiều lần kiến nghị, Bộ Y tế đã gỡ cho doanh nghiệp bằng cách cho phép doanh nghiệp được khai báo theo mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, Bộ Y tế lại yêu cầu các mặt hàng xuất khẩu khai báo theo mã HS 3301.29.10 (mã HS của nhóm tinh dầu quế, sả, gừng…) phải thực hiện theo quy định pháp luật về dược. Như vậy, đâu lại vào đó!

Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), sản phẩm tinh dầu quế chỉ là sản phẩm giá trị gia tăng, giúp khai thác và tận dụng tối đa 100% giá trị cây quế, tận thu từ cành lá, dược tính thấp hơn rất nhiều so với vỏ quế. Nếu phải áp dụng điều kiện của kinh doanh dược liệu thì phát sinh rất nhiều chi phí.

Trong khi đó, sản phẩm vỏ quế đã được loại ra khỏi danh mục chịu sự quản lý về dược. Thậm chí, nhìn rộng ra các ngành sản xuất tinh dầu khác như sả, gừng… có giá trị thấp hơn, khả năng đáp ứng các quy định như trên của Bộ Y tế sẽ càng khó khăn. Điều này vô hình chung đã đóng luôn cánh cửa xuất khẩu của những mặt hàng này.

Tạm cho doanh nghiệp tự xác định

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan có hướng gỡ vướng cho doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Y tế có công văn hướng dẫn. Trong đó nêu rõ: “Việc xuất khẩu sản phẩm tinh dầu quế với mục đích nào là nhu cầu của doanh nghiệp và do doanh nghiệp tự xác định. Hiện nay, việc xuất khẩu sản phẩm tinh dầu quế phục vụ mục đích thực phẩm, đồ uống, cây gia vị thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế chỉ quản lý đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu; chất chiết xuất từ dược liệu; tinh dầu với mục đích làm thuốc, phụ gia thực phẩm và mỹ phẩm…”.

Căn cứ ý kiến của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo các chi cục hải quan đóng tại địa phương hướng dẫn doanh nghiệp khai báo rõ mục đích xuất khẩu đối với mặt hàng tinh dầu quế khi thực hiện xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan Lào Cai chỉ đạo các chi cục hải quan hướng dẫn doanh nghiệp khai báo rõ mục đích xuất khẩu đối với mặt hàng tinh dầu quế khi thực hiện xuất khẩu, cụ thể: trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định của pháp luật dược.

Trường hợp doanh nghiệp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định.

Trường hợp phát sinh vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.

Để xử lý triệt để hơn vướng mắc này, Tổng cục Hải quan có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị làm rõ chính sách quản lý đối với mặt hàng tinh dầu xuất khẩu có tính lưỡng dụng (có thể sử dụng làm nguyên liệu làm thuốc hoặc mục đích khác).

Dẫn chiếu một số văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, Tổng cục Hải quan thấy có sự không thống nhất giữa văn bản của Bộ Y tế với các công văn của Cục Y dược Cổ truyền và các quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BYT về việc xuất khẩu mặt hàng tinh dầu quế nói riêng và xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng thuộc danh mục dược liệu quy định tại Thông tư 48/2018/TT-BYT có tính chất lưỡng dụng.

Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về vấn đề trên, đảm bảo việc thực thi đúng quy định của pháp luật.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-go-chinh-sach-mo-canh-cua-xuat-khau-cho-tinh-dau-que-150104.html