Cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử: Cần quy định chặt chẽ trong luật

Luật Đầu tư, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đều là những cơ sở pháp lý để các Bộ ngành tham mưu cho Chính phủ trong việc đề xuất phương án kiểm soát thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT).

Theo đó, tại “Phiên giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của TLĐT, TLLN” ngày 4/5 vừa qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cùng một số đại biểu tham dự đã đặt ra vấn đề nếu buộc phải cấm TLĐT, TLLN thì phải sửa Luật Đầu tư, vì thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện được nêu rõ trong luật và hiệu lực cho đến hiện nay. Mặt khác, Hiến pháp cũng quy định về quyền con người, trong đó sử dụng các sản phẩm thuốc lá là một nhu cầu hợp pháp.

Nên nếu muốn cấm các sản phẩm này, sẽ phải bao gồm việc sửa đổi Luật PCTHTL, Luật Đầu tư. Theo nhận định của các đại biểu, đây là điều không dễ dàng trong khi nhu cầu kiểm soát TLLN, TLĐT đang trong tình trạng khẩn cấp.

Cần chứng minh rõ TLLN gây hại như thế nào?

Tại phiên giải trình trên, giải thích về bản chất của sản phẩm TLLN tương thích với định nghĩa của Luật PCTHTL, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nói: “TLLN chỉ thay đổi cách “đốt” thuốc lá (khác với thuốc lá điếu), nhưng vẫn có tính chất là sợi thuốc lá và các chất của thuốc lá, nên nó vẫn là thuộc khái niệm thuốc lá”. Còn TLĐT sử dụng dung dịch chứa nicotine.

Toàn cảnh phiên giải trình (Ảnh: Quốc hội)

Toàn cảnh phiên giải trình (Ảnh: Quốc hội)

Một trong những băn khoăn của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham dự là TLLN và TLĐT có phải là sản phẩm thuốc lá không, và tại sao lại cấm? Cụ thể, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Phó ban Công tác Dân nguyện thuộc UBTVQH cho rằng Bộ Y tế (BYT) cần làm rõ nguyên nhân tại sao lại có các ứng xử khác giữa TLLN, TLĐT so với thuốc lá truyền thống, dựa trên các bằng chứng khoa học.

Khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư quy định: “Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”. Còn tại Điều 6 của Luật Đầu tư quy định 08 ngành nghề bị cấm và 05 nhóm hàng hóa bị cấm kinh doanh. Trong cả hai danh mục bị cấm kinh doanh này đều không có thuốc lá, bao gồm cả TLLN và TLĐT.

Trên cơ sở đó, tại phiên giải trình, ở góc độ pháp lý, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm: “Trong Luật Đầu tư và Hiến pháp đã quy định, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nếu là sản phẩm thuốc lá theo Luật PCTHTL thì đây là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nếu không là sản phẩm thuốc lá mà chúng ta muốn cấm, quan điểm của tôi là phải sửa Luật Đầu tư”.

Hiện một trong những nguyên nhân cho đề xuất cấm TLĐT, TLLN là do các sản phẩm này có chứa nicotine là chất gây nghiện, cùng một số chất độc hại khác có trong sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm trá hình chứa chất cấm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần đặt tính độc hại của sản phẩm dưới góc nhìn quản lý và sử dụng có định hướng, từ đó thẩm định mức độ độc hại đến đâu, và xác định đúng “thủ phạm” gây hại để đưa ra quy định kiểm soát thích hợp.

Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội ngày 23/4 với các Bộ liên quan để làm rõ vướng mắc, bất cập trong chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của TLĐT, TLLN, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội đánh giá, nếu có báo cáo chứng minh các sản phẩm này có hại gấp nhiều lần thuốc lá điếu thì cần phải cấm ngay. Còn nếu chỉ là “có hại không kém gì thuốc lá điếu” có nghĩa là nhẹ hơn, thì không cấm được.

Quốc hội cần ban hành nghị quyết quản lý loại thuốc lá mới?

Cũng tại phiên giải trình 4/5, trước đề xuất cần cấm lưu hành cả TLLN lẫn TLĐT của BYT, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nói: “Việc cấm liên quan đến hạn chế quyền công dân, do đó phải quy định bằng luật”.

Thay vào đó, Thứ trưởng Ngọc nêu quan điểm của Bộ KH-ĐT là "kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết quản lý loại thuốc lá mới như thuốc lá truyền thống.

Cần hành lang pháp lý để quản lý nghiêm thuốc lá mới, ngăn chặn giới trẻ sử dụng (Ảnh minh họa: Sức khỏe & Đời sống)

Cần hành lang pháp lý để quản lý nghiêm thuốc lá mới, ngăn chặn giới trẻ sử dụng (Ảnh minh họa: Sức khỏe & Đời sống)

Theo Thứ trưởng Ngọc, đề xuất trên sẽ mang đến 4 lợi ích: Một là, đạt được mục tiêu quản lý và PCTHTL. Hai là, tránh phân biệt đối xử (giữa các sản phẩm thuốc lá - PV). Ba là, không bị ảnh hưởng bởi cam kết quốc tế, vì cam kết quốc tế hiện nay chỉ hạn chế quyền phân phối thuốc lá xì gà của các nhà đầu tư nước ngoài mà không hạn chế sản xuất. Bốn là, giúp đồng bộ các quy định sẵn có của Luật Đầu tư và Luật PCTHTL, tránh trì hoãn thêm nhiều năm để sửa luật.

Kết luận Phiên giải trình ngày 4/5, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội kiến nghị: Trong năm 2024, Chính phủ chỉ đạo khảo sát, rà soát, đánh giá toàn diện về TLĐT, TLLN để làm cơ sở thống nhất quan điểm quản lý Nhà nước, và chỉ đạo xây dựng văn bản quản lý chặt chẽ. Kết luận này đã nhận được 100% sự đồng thuận từ đại diện tất cả Bộ, ngành tham dự.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cam-thuoc-la-lam-nong-thuoc-la-dien-tu-can-quy-dinh-chat-che-trong-luat-post1095713.vov