'Cẩm nang xạ kích' diệt máy bay địch

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy từng là sĩ quan điều khiển, đại đội trưởng rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân, đơn vị tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã tham gia đánh hơn 100 trận, cùng kíp chiến đấu tiêu diệt 22 máy bay địch các loại, trong đó có 2 chiếc B-52. 'Bí quyết' để nâng cao hiệu suất chiến đấu bắt nguồn từ cuốn 'Cẩm nang xạ kích' do ông soạn thảo.

Chia sẻ với chúng tôi về cuốn cẩm nang hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy cho hay: “Trong quá trình chiến đấu, Tiểu đoàn 64 phải chiến đấu ở đồng bằng, đồi núi, bắn các loại máy bay khác nhau. Để nâng cao hiệu quả chiến đấu, tôi phải tính toán độ cao, vận tốc bay của máy bay; góc, hướng bắn, thời cơ bắn. Những kinh nghiệm hay trong chiến đấu đều được tôi ghi lại trong cuốn sổ nhỏ, mỗi khi cần là mở ra xem, nhất là để làm tài liệu truyền lại cho bộ đội”.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy và đồng đội gặp lại chuyên gia Liên Xô.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy và đồng đội gặp lại chuyên gia Liên Xô.

Một thời hào hùng năm xưa được anh hùng Phạm Trương Uy tái hiện qua một số trận đánh nổi bật, trên cơ sở đó bổ sung những kinh nghiệm hay vào cuốn "Cẩm nang xạ kích". Tháng 8-1965, không quân Mỹ đã đánh phá nhiều vùng ngoài vĩ tuyến 20. Tiểu đoàn Tên lửa 64 triển khai trận địa ở Văn Điển (tỉnh Hà Tây cũ). Chiều 5-8-1965, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đến thăm và vào xe chỉ huy theo dõi buổi luyện tập đánh máy bay địch. Sĩ quan điều khiển Phạm Trương Uy vừa thao tác vừa thuyết trình tình huống địch, ta trên màn hiện sóng. Đến lúc tín hiệu quả tên lửa ta lao lên, bám sát rồi chập vào tín hiệu máy bay địch, lóe sáng như tia chớp... máy bay địch bị diệt, đồng chí Trường Chinh phấn khởi khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và căn dặn: “Trong thời gian ngắn, đơn vị đã học tập sử dụng được vũ khí hiện đại, bắn rơi nhiều máy bay địch. Thế là khá lắm! Các đồng chí cần dũng cảm, sáng tạo vượt qua nhiều thử thách, đoàn kết, khiêm tốn học tập chuyên gia, nhanh chóng làm chủ vũ khí, khí tài, bắn rơi thật nhiều máy bay địch, bảo vệ vùng trời đất nước, bảo vệ Thủ đô thân yêu của chúng ta".

Hay như trận đánh ngày 15-10-1965, ở Phù Ninh (Vĩnh Phú), khi có báo động máy bay địch đã vào cách trận địa 12km, Phạm Trương Uy bình tĩnh, nhanh chóng phát hiện mục tiêu, kịp thời phóng và điều khiển hai quả đạn, diệt gọn cả hai máy bay Mỹ. Ngày 7-4-1972, tham gia Chiến dịch Trị-Thiên, trận địa đơn vị bị máy bay địch đánh phá, khí tài bị hư hỏng nặng, Chính trị viên Tiểu đoàn hy sinh, đồng chí Phạm Trương Uy đã chỉ huy đơn vị cứu chữa thương binh, sửa chữa khí tài, nhanh chóng ổn định và triển khai chiến đấu, phát triển đội hình vượt sông Bến Hải (Quảng Trị), bảo vệ đội hình quân binh chủng hợp thành của chiến dịch...

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, tháng 9-1973, đồng chí Phạm Trương Uy được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: SƠN BÌNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/cam-nang-xa-kich-diet-may-bay-dich-746174