Cấm ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là hạn chế quyền tác nghiệp báo chí

Theo các chuyên gia việc cấm ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai là hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí. Trong trường hợp nhà báo viết sai nội dung của những người có mặt tại phiên tòa, họ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định

Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội ngày 15-5 mở phiên phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt của cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 11 bị cáo khác liên quan đến vụ đại án Việt Á. Phiên tòa được xét xử công khai.

Phóng viên tác nghiệp qua màn hình tại một phiên tòa

Phóng viên tác nghiệp qua màn hình tại một phiên tòa

Các nhà báo được dự tòa song bị cấm mang máy tính cùng các thiết bị điện tử. Tất cả chỉ tác nghiệp bằng cách dùng giấy bút ghi chép rồi mang ra ngoài, viết lại tin trên máy tính và truyền tin về tòa soạn.

Chủ tọa Phạm Văn Tuyển cho hay nhà báo hoặc bất cứ ai nếu ghi âm, ghi hình phiên tòa sẽ bị xử lý nghiêm và yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp kiểm soát việc này; ai vi phạm "xử lý nghiêm".

Cũng nằm trong nội dung này, mới đây, TAND Tối cao, trong dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi có nội dung đề xuất việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc và tuyên án. Cùng với đó, phải có sự cho phép của chủ tọa.

Về quy định này, ông Trương Việt Toàn, nguyên phó chánh Tòa hình sự TAND TP Hà Nội (người từng là chủ tọa nhiều phiên tòa xử đại án), cho biết khi điều hành phiên tòa, ông chưa bao giờ hạn chế báo chí. Tuy nhiên, việc bị chĩa máy quay, máy ảnh hoặc có người đi đi lại lại trong phòng xử án cũng ít nhiều gây tâm lý không thoải mái cho Hội đồng xét xử.

Phóng viên chỉ được mang giấy bút rồi ra ngoài dùng máy tính gõ lại

Phóng viên chỉ được mang giấy bút rồi ra ngoài dùng máy tính gõ lại

Theo ông Toàn, để hài hòa giữa việc xét xử và quyền tác nghiệp của phóng viên thì Tòa án cần bố trí phòng riêng với màn hình, đường truyền âm thanh, hình ảnh trực tiếp đảm bảo để phục vụ báo chí đưa tin về phiên tòa. Tại đây, phóng viên có thể tác nghiệp, ghi âm, ghi hình theo yêu cầu công việc của mình.

"Điều này phù hợp các quy định hiện hành và cũng thỏa mãn các nguyên tắc xét xử, trong đó có nguyên tắc xét xử công khai, không ai ảnh hưởng đến ai. Việc cấm tuyệt đối báo chí ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa là không cần thiết"- ông Toàn nêu rõ.

Theo luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Luật Báo chí năm 2016 quy định khá đầy đủ và toàn diện, rõ ràng về hoạt động của báo chí tại phiên tòa xét xử công khai. Cụ thể, Điều 25 quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 4 và Điều 25 Luật Báo chí cũng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và của mỗi nhà báo. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố phải: "Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân".

Theo luật sư Tuyến, nếu hoạt động ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa bị hạn chế, hoặc "triệt tiêu", tác phẩm báo chí khó đảm bảo tính chân thật, khách quan. Đây cũng chính là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa thông tin trên báo chí với thông tin trên mạng xã hội.

Luật sư Tuyến cho rằng báo chí có chức năng, nhiệm vụ là "phải thông tin trung thực" nên Bộ luật Tố tụng hình sự xác định, thông tin tố giác tội phạm trên phương tiện truyền thông, báo chí là một trong những căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án, tiến hành điều tra (Điều 143).

"Rõ ràng thông tin từ báo chí được xác định là rất quan trọng và cần thiết trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Từ đó có thể thấy độ chính xác, độ tin cậy là yếu tố bắt buộc đối với tin, bài trên báo chí, để đảm bảo được yêu cầu này thì việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động báo chí là không thể không thực hiện"- luật sư Tuyến nhấn mạnh.

Nói về dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng dự thảo luật quy định như vậy sẽ hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa. Tự do ngôn luận của báo chí là rất quan trọng nên không cần thiết phải hạn chế việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại các phiên tòa công khai. Nếu hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai sẽ ảnh hưởng đến tác nghiệp của nhà báo rất lớn nên không cần phải làm điều này. "Với những phiên xét xử công khai cần có sự tham gia của báo chí, hiện công tác tuyên truyền về pháp luật cũng đang rất tốt. Trong trường hợp nhà báo viết sai nội dung của những người có mặt tại phiên tòa, họ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định"- ông Hòa nêu rõ.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cam-ghi-am-ghi-hinh-tai-phien-toa-la-han-che-quyen-tac-nghiep-bao-chi-196240518122432799.htm