Cách bảo vệ an toàn trước lốc sét, mưa đá trong những ngày chuyển mùa

Thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh hoặc ngược lại dễ xảy ra các hiện tượng lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh... Người dân cần quan sát diễn biến thời tiết, theo dõi thông tin từ cơ quan chức năng để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Dông sét, mưa đá xảy ra liên tiếp

Ngày 4/5, đại diện UBND xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng (Long An) cho biết vừa có một người bị sét đánh tử vong trong cơn mưa đầu mùa. Khoảng 15h ngày 3/5, ông Phạm Văn Chương (37 tuổi, quê Tiền Giang) đi đặt bẫy ếch tại cánh đồng ở xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng), bất ngờ trời đổ mưa. Ông Chương bị sét đánh bất tỉnh. Phát hiện vụ việc, người dân địa phương liền chuyển nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Gần đây nhất là trận mưa đá kéo dài hơn 30 phút trút xuống địa phương khiến gần 600 ngôi nhà bị tốc, thủng mái ở Sơn La. Trận mưa đá xảy ra khoảng 19h ngày 2/5, những viên đá to bằng nắm tay trút xuống 7/14 bản, tập trung nhiều ở khu vực trung tâm xã Chiềng Chăn (Mai Sơn, Sơn La). Đây là trận mưa đá thứ 4 trút xuống tỉnh Sơn La trong năm nay. Ngoài nhà cửa của người dân xã Chiềng Chăn bị hư hỏng, trận mưa đá còn làm vỡ bờ ao, thiệt hại khoảng 6ha hoa màu, rất may không có thiệt hại về người.

Đề phòng dông sét, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Nghệ An, mưa kèm theo dông, lốc, sét xảy ra từ đêm 30/4 và ngày 1/5 đã gây thiệt hại cả về người và tài sản. Cụ thể, một người dân ở Yên Bái thiệt mạng và 1 người ở Thái Nguyên bị thương do sét đánh, 2.538 nhà bị hư hỏng, tốc mái.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (04/5), ở khu vực Quảng Nam-Quảng Ngãi, Tây Nguyên, Nam Bộ đang có mưa rào và dông, tại A Lưới (Thừa Thiên Huế) có gió giật cấp 8.

Chiều tối và đêm 04 đến ngày 05/5, khu vực phía Đông Bắc Bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình; khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 60mm (mưa tập trung vào chiều tối và đêm). Chiều và tối ngày 04-05/5, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt ở nước ta cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, quá trình đối lưu sẽ càng diễn ra mạnh mẽ khiến dông, lốc diễn ra với cường độ mạnh hơn; các thiên tai đi kèm như gió giật, gió mạnh, sét cũng xảy ra nhiều hơn.

Khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa nên tháng 4, 5 và đầu tháng 6 khả năng cao sẽ tiếp tục xuất hiện dông, lốc, sét, mưa đá. "Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên trú mưa dưới gốc cây, phòng trừ trường hợp cây xanh bật gốc, gãy đổ và thậm chí dông, lốc, sét có thể đánh vào cây, ảnh hưởng đến sinh mạng. Khi có hiện tượng dông lốc, người dân nên tìm chỗ trú ẩn trong nhà, không đi ra ngoài trời", ông Hưởng nhấn mạnh.

Dấu hiệu nhận biết mưa đá, dông sét

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, nước ta đang trong giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ. Do đó, các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh. Thời gian dông, lốc, sét nhất là mưa đá và gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thường xuất hiện vào chiều, chiều tối và đêm, khi hiện tượng không khí đối lưu diễn ra mạnh mẽ.

Các chuyên gia lưu ý, dấu hiệu nhận biết khi có hiện tượng mưa đá, là khi thấy mây đen bao phủ kín bầu trời, dông gió nổi lên mạnh dần, tiếp đó mưa rào xuất hiện, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột... Mưa đá thường xảy ra trong khoảng 5-30 phút và rơi xuống cùng với mưa rào, kích thước khoảng 5mm đến hàng chục cm.

Hiện tượng mưa đá thường xuất hiện ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi, kể cả mùa mưa hay mùa hè. Ở khu vực miền Bắc thường xuyên xảy ra mưa đá, chủ yếu là vào tháng 3-5. Mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện và gây hại nhanh, bất ngờ, rất khó dự báo chính xác về thời gian xuất hiện, vùng ảnh hưởng và mức độ gây hại.

Ông Hưởng cho biết, hiện tượng dông, lốc, mưa đá khó có thể dự báo xa, nhưng có thể cảnh báo sớm qua các thiết bị theo dõi như sử dụng ảnh mây vệ tinh, ảnh rada với độ phản hồi lớn; từ đó có thể đưa ra được cảnh báo trước khoảng 30 phút đến 1 tiếng.

Trong điều kiện đó, người dân cần thường xuyên theo dõi cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như chủ động quan sát các dấu hiệu có thể xảy ra mưa đá. Khi xảy ra mưa đá, cần nhanh chóng tìm nơi ẩn náu như nhà kiên cố, mái che chắc chắn, hang động… Trường hợp chưa kịp trú ẩn, dùng các vật cứng như: mũ bảo hiểm, cặp sách… để tránh đá rơi trực tiếp vào đầu. Trường hợp đang lưu thông trên đường, nên dừng xe và đỗ vào lề đường, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục di chuyển để tránh trơn trượt.

Về dông sét, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, miền Bắc và Trung thường xuất hiện mưa dông, sấm sét vào giai đoạn chuyển mùa từ lạnh sang nóng (tháng 4-5) và từ nóng sang lạnh (tháng 9-10 hàng năm). Trong đó, tháng 4,5 là thời điểm giao tranh giữa hai hệ thống gió mùa Đông Bắc và hệ thống gió mùa Tây Nam. Quá trình giao tranh sẽ xảy ra các nhiễu động thời tiết như mưa dông, sấm sét.

Các nhiễu động này thường gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông sét, mưa lớn, lốc xoáy, mưa đá cho vùng Trung du miền núi phía Bắc và thường gây ra những thiệt hại lớn về người và của.

Việt Nam nằm ở tâm dông của Châu Á, một trong ba tâm dông có hoạt động dông, sét mạnh và bất kỳ ai cũng có thể gặp phải dông sét. Tuy nhiên hiểu biết của người dân về cách phòng tránh sét đánh còn chưa cao. Chính vì vậy khi trời sắp dông, mọi người tốt nhất nên về nhà, chỗ an toàn là tòa nhà hay công sở có lắp thiết bị chống sét

Chuyên gia khuyến cáo, khi làm ở khu vực nào đó, để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn. Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, không khí lạnh, gió..

Nếu không kịp tìm nơi trú ẩn an toàn, người dân tuyệt đối không trú mưa dưới cây cối, tránh xa vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, cuốc, liềm,... Khi đang ở ngoài trời thì không đứng thành nhóm, vì sét đánh xuống dễ gây tai nạn thảm khốc. Không nên ở gần những nơi ẩm ướt và có nước, nên tìm chỗ khô ráo, càng thấp càng tốt, nhón chụm hai chân, tay bịt tai và không nằm xuống đất, làm sao để phần tiếp xúc giữa người với mặt đất ít nhất.

Tránh xa các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao là những nơi rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì cần tìm những nơi có cây thấp hơn và thưa để tránh.

Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước. Không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có mưa dông. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có dông.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-bao-ve-an-toan-truoc-loc-set-mua-da-trong-nhung-ngay-chuyen-mua-16924050415352231.htm