Bóc trần sự thật về 'quy tắc 5 giây' trong an toàn vệ sinh thực phẩm

Khá nhiều người tin rằng thức ăn bị rơi xuống mặt đất nếu nhặt lên trong vòng 5 giây trở lại sẽ không bị nhiễm khuẩn và vẫn an toàn để ăn. Nhưng sự thật dưới góc độ khoa học thì như thế nào?

Quy tắc 5 giây hoàn toàn không có căn cứ khoa học, thức ăn sẽ nhiễm khuẩn ngay ở giây đầu tiên. (Ảnh: Shutterstock)

Quy tắc 5 giây hoàn toàn không có căn cứ khoa học, thức ăn sẽ nhiễm khuẩn ngay ở giây đầu tiên. (Ảnh: Shutterstock)

Trong nhiều hộ gia đình, bếp ăn của nhà hàng và ở các bối cảnh khi mọi người chuẩn bị hoặc tiêu thụ đồ ăn, thỉnh thoảng bạn sẽ nghe thấy ai đó nhắc đến "quy tắc 5 giây," liên quan đến việc nhặt đồ ăn bị rơi xuống đất trong 5 giây đầu tiên, là khoảng thời gian đủ an toàn để ăn chúng.

Quy tắc 5 giây là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận và thậm chí còn trở thành đề tài để các nhà khoa học nghiên cứu. Một số người thật sự tin vào quy tắc 5 giây, trong khi một số người khác coi đây là chuyện vớ vẩn, không có cơ sở khoa học.

Nguồn gốc của quy tắc 5 giây

Trong cuốn sách “Did you just eat that?”, các nhà khoa học thực phẩm Paul Dawson và Brian Sheldon cho hay quy tắc 5 giây có thể có nguồn gốc từ thời Thành Cát Tư Hãn, nhà cai trị Mông Cổ vào những năm 1400.

Thành Cát Tư Hãn đã thực hiện “quy tắc Khan” trong các bữa tiệc của mình. Ông quy định thức ăn rơi xuống sàn thì nó có thể ở đó cho đến khi ông ra lệnh nhặt lên để ăn, cho dù là 5 giờ hay hơn 1 ngày, với niềm tin rằng thức ăn được chuẩn bị cho Khan rất đặc biệt, không thể bị hỏng.

 Thực phẩm càng có độ ẩm cao càng bị nhiễm khuẩn nhiều hơn. (Ảnh: iStock)

Thực phẩm càng có độ ẩm cao càng bị nhiễm khuẩn nhiều hơn. (Ảnh: iStock)

Thực tế là những người ở thời đó không có hiểu biết về vi sinh vật và mối quan hệ của chúng với bệnh tật ở con người, vì không nhìn thấy được vi khuẩn nên họ nghĩ rằng lau sạch bụi bẩn thì đồ ăn vẫn an toàn.

Phải đến thế kỷ 19, lý thuyết vi trùng mới thực sự phát triển - khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các vi sinh vật nhỏ bé, vô hình có thể gây ra một số bệnh và nhiễm trùng cho con người.

Sự thật hay hư cấu?

Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu để kiểm tra độ xác thực của quy tắc 5 giây.

Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2006, các nhà khoa học đã thêm vi khuẩn gây tiêu chảy Salmonella vào các bề mặt gỗ, gạch và thảm, sau đó, họ thả bánh thịt bologna (thịt bò bằm dùng làm nhân bánh sandwich) lên các bề mặt này và điều tra xem liệu vi khuẩn có được truyền từ tất cả các bề mặt sang thực phẩm hay không.

Kết quả cho thấy sự nhiễm khuẩn đã xảy ra gần như ngay lập tức. Hơn 99% vi khuẩn đã được truyền thẳng từ bề mặt gỗ và gạch sang bánh thịt bologna trong 5 giây tiếp xúc. Số lượng vi khuẩn Salmonella truyền từ thảm vào thịt bologna thấp hơn một chút nhưng vẫn ở mức có thể gây ngộ độc.

Vào năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Rutgers tiếp tục thực hiện thí nghiệm về quy tắc 5 giây nhằm xem xét mức độ nhiễm khuẩn của một số loại thực phẩm khác nhau, như dưa hấu, bánh mì, bánh mì bơ và kẹo dẻo, sau khi rơi xuống đất.

Họ phát hiện ra rằng có rất nhiều vi khuẩn đã xâm nhập ngay khi thức ăn chạm đất và thức ăn nằm trên bề mặt phủ vi khuẩn càng lâu thì càng có nhiều vi khuẩn bám vào đó.

 (Nguồn: Shutterstock)

(Nguồn: Shutterstock)

Nguyên nhân chính ở đây không phải là thời gian mà là độ ẩm. Thực phẩm ướt (trong trường hợp này là dưa hấu) được phát hiện nhiễm nhiều vi khuẩn hơn thực phẩm khô, như bánh mì hoặc kẹo dẻo.

Với các bề mặt khác nhau, sự lây truyền vi khuẩn vào thực phẩm cũng khác nhau, trong đó bề mặt thảm truyền ít vi khuẩn vào thực phẩm hơn so với bề mặt gạch hoặc thép không gỉ, do thảm đã thấm bớt dung dịch vi khuẩn mà các nhà khoa học đổ lên.

Các nhà khoa học đi đến kết luận rằng không có loại thực phẩm nào rơi xuống đất trong 5 giây mà không bị vi khuẩn xâm nhập.

Bạn quyết định thế nào?

Vậy nếu khoa học đã bác bỏ triệt để quy tắc 5 giây, phải chăng điều đó có nghĩa là tất cả các đồ ăn đã rơi xuống sàn và nhặt lên trong 5 giây là không an toàn?

Thực tế, điều đó phụ thuộc vào bề mặt mà thức ăn tiếp xúc và loại vi khuẩn bạn có thể nhiễm.

Paul Dawson cho biết trong hầu hết các trường hợp, việc ăn một chiếc bánh quy có dính một ít bụi và vi khuẩn trên sàn nhà sẽ không gây hại cho người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được trên bề mặt mà thức ăn tiếp xúc, cho dù nhìn có vẻ sạch, nhưng liệu nó có đang chứa những loại vi khuẩn nào mà mắt thường không thể nhìn thấy?

Dawson lưu ý áp dụng quy tắc 5 giây cũng tương tự với việc lái xe mà không thắt dây an toàn, bạn có thể sẽ không bị sao cả, nhưng bạn cũng luôn luôn phải đối mặt với sự nguy hiểm tiềm tàng không thể lường trước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/boc-tran-su-that-ve-quy-tac-5-giay-trong-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-post948598.vnp