Biến thể Omicron đang gây xáo trộn toàn cầu

Biến thể Omicron khiến hy vọng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia mờ đi và kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng của các công ty chưa thể trở thành hiện thực. Biến thể này cũng phần nào đó đang gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng hy vọng vẫn chưa tắt.

Châu Á: đồng baht yếu đi; giá cổ phiếu ở Nhật, Hàn giảm

Theo hãng tin Reuters, đồng baht của Thái Lan giảm giá hôm thứ Hai tuần này khi số ca nhiễm biến thể Omicron làm giảm đi triển vọng ngành du lịch phục hồi. Nhiều người lo rằng biến chủng này cũng sẽ làm chậm khả năng phục hồi kinh tế ở Thái Lan.

Đồng baht giảm 0,4% xuống còn 33,55 baht một đô la. Đồng baht Thai có thể là đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở châu Á, bởi lẽ biến thể Omicron đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến du lịch Thái Lan vốn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Tuần qua, Thái Lan đã tái áp đặt lệnh cách ly đối với khách nước ngoài và đã hủy bỏ các sự kiện chào năm mới sau khi phát hiện ổ Omicron đầu tiên.

Phân tích từ Ngân hàng Bank of America (Mỹ) cho biết đồng baht đã xuống dưới dự báo giảm trước đây vì Thái Lan đang chật vật với việc tái mở cửa du lịch và tài khoản vãng lai hiện tại của họ đang xấu đi so với các quốc gia khác.

Trong khi đó, giá cố phiếu của các nhà máy sản xuất găng tay ở Malaysia tăng cao giúp chỉ số chứng khoán tại nước này tăng 1%.

Chỉ số chứng khoán ở Malaysia tăng mạnh nhất trong năm tuần gần đây, được hậu thuẫn bởi đà tăng 10% giá cổ phiếu của Top Glove, công ty sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới, và công ty Hartalega Holdings, tăng 4%. Mỗi khi tin tức tiêu cực về Covid-19 xuất hiện, giá cổ phiếu của hai công ty này lại tăng lên.

Tiền tệ ở châu Á cũng tăng giảm không đều. Đô la Singapore và Đài Loan tăng nhẹ 0,2%. Còn đồng rupiah của Indonesia và đồng peso của Philippines giảm nhẹ giá trị.

Hoạt động các thị trường tài chính châu Á giảm xuống trong tuần qua khi một số trung tâm đóng cửa nhân kỳ nghỉ cuối năm.

Chỉ số trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm 0,4% khi các nhà đầu tư tại nước này đặt hy vọng vào cổ phiếu bán dẫn tiếp theo sau đợt lên giá trong tuần qua.

Chỉ số cổ phiếu ở Đài Loan và Philippines tăng 0,5%, trong khi các thị trường khác dao động từ âm 0,1% đến dương 0,1%.

Doanh số bán lẻ ở Nhật trong tháng 12 tăng mạnh hơn so dự báo. Nhờ số ca nhiễm Covid-19 giảm đáng kể, nhiều người Nhật đã quay trở lại các cửa hàng để mua sắm và sử dụng dịch vụ.

Để hỗ trợ kinh tế, chính phủ Nhật Bản hôm thứ Sáu tuần rồi phê duyệt khoản ngân sách kỷ lục trị giá 940 tỉ đô la Mỹ cho năm 2022, trong đó bao gồm tiền chu cấp cho các gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ đại dịch.

Tuy nhiên, niềm hy vọng tiêu dùng sớm phục hồi đã bị biến thể Omicron làm mờ nhạt, sau khi biến chủng này bắt đầu lây lan mạnh trong tuần qua ở Tokyo, thành phố lớn nhất Nhật Bản.

Masato Koike, nhà kinh tế học cao cấp ở Viện Nghiên cứu Dai-ichi, cho biết: “Cho đến nay, người tiêu dùng vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều với biến thể Omicron. Các chỉ số về mua sắm vẫn tiếp tục tăng”.

Chính phủ Nhật cho biết họ không thay đổi ngay tức các biện pháp áp dụng trong nước vì cần có thêm thời gian theo dõi biến thể mới.

Tuy nhiên, theo ông Koike, nếu số ca nhiễm tăng mạnh, có khả năng Omicron sẽ làm doanh số từ người tiêu dùng giảm mạnh. Ông cũng cho biết thêm du khách về nước trong kỳ nghỉ có thể khiến số ca nhiễm tăng.

Dữ liệu từ chính phủ Nhật Bản cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng 1,9% vào tháng 11-2021, con số này cao hơn dự đoán trung bình 1,7% vào tháng 10-2020.

Tại Nhật, doanh số bán xăng tăng 29,2% vào tháng 11 so với cùng kỳ năm trước nhờ giá cả hàng hóa nhảy vọt và xu hướng bán lẻ tăng mạnh. Tuy vậy, doanh số bán xe lại giảm 14,1% vì nguồn cung bị gián đoạn. Doanh số thiết bị điện tử giảm 10,6% do nhu cầu về các thiết bị dùng tại nhà sụt giảm.

Sau khi chính phủ Nhật gỡ bỏ các lệnh cấm vào tháng 9, tổng số ca nhiễm toàn quốc giảm xuống chưa đến một ca trên một triệu người tính đến đầu tháng 12.

Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa tái áp đặt lệnh cấm, họ chỉ thắt chặt kiểm soát biên giới để giảm sự lây nhiễm của biến thể Omicron.

Mỹ: ác mộng sân bay, Apple đóng cửa nhiều cửa hàng, nhưng Wall Street lại vững hơn

Tại Mỹ, các sân bay là nơi bị các làn sóng Covid-19 trước đây gây hỗn loạn nhiều nhất. Giờ với Omicron, tình hình cũng không khả quan hơn. Tính đến thứ Ba tuần này, hơn 2.000 chuyến bay đã bị hủy.

David Kelly, chuyên gia chiến lược toàn cầu thuộc Tổ chức JPMorgan Funds, nói: “Cả thế giới đã quá mệt mỏi với chuyện này. Người dân cảm thấy phẫn uất với các chính phủ vì họ đã không kiểm soát được dịch. Virus corona biết cách qua mặt các hệ thống chính trị của chúng ta”.

Để giảm bớt áp lực đối với nền kinh tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã rút ngắn thời gian cách ly đối với người có kết quả dương tính với Covid-19 nhưng không có triệu chứng.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (Mỹ), nói: “Chúng ta mong muốn mọi nhân viên trở lại văn phòng, đặc biệt là người làm công việc thiết yếu, nhằm giúp xã hội hoạt động thuận lợi”.

Trong khi đó, công ty Apple đã đóng cửa tất cả 12 cửa hàng của mình ở thành phố New York sau khi số ca nhiễm Omicron tăng mạnh.

Đầu tháng 12 năm nay, Apple tuyên bố họ sẽ tạm thời đóng cửa ba cửa hàng ở Mỹ và Canada sau khi ca nhiễm Covid-19 tăng lên và nhiều nhân viên trong cửa hàng bị nhiễm virus.

Apple cũng yêu cầu khách hàng và nhân viên của mình đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

Việc đóng cửa các cửa hàng ở New York có phần khác với những gì Apple đang áp dụng ở các nơi khác. Apple vẫn nhận đặt hàng qua mạng và để khách đến cửa hàng nhận hàng. Tuy nhiên, người mua sẽ không được phép vào trong để xem hay mua hàng tại chỗ.

Giá cổ phiếu của công ty Apple đã tăng 2,3% lên 180,33 đô la Mỹ một cổ phiếu.

Nhiều công ty trên thế giới đang phải siết chặt lệnh tuân thủ phòng chống dịch.

Ngược lại, có vẻ như Wall Street không còn quá hoảng loạn với Omicron.

Sau các lệnh bán tháo vào ngày thứ Sáu đen tối, thị trường chứng khoán Mỹ đã lấy lại được tất cả những gì đã mất. Cổ phiếu tăng mạnh và chỉ số thị trường đạt mức kỷ lục vào hôm thứ Ba. Theo nhóm đầu tư Bespoke, đây là lần thứ 70 trong năm nay thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập một kỷ lục mới.

Apple đã đóng cửa tất cả 12 cửa hàng của mình ở thành phố New York sau khi số ca nhiễm Omicron tăng mạnh.

Liệu Omicron có làm kinh tế toàn cầu không thể phục hồi?

Theo hãng tin CNN, hàng ngàn chuyến bay bị hủy và kế hoạch quay trở lại văn phòng, các buổi biểu diễn nhạc kịch Broadway phải hoãn lại vì Omicron. Với biến chủng nguy hiểm mới nhất này, đại dịch Covid-19 tiếp tục làm đảo lộn các dự đoán về tăng trưởng kinh tế thế giới.

Nhưng lần này, sự gián đoạn có phần khác đi. Hai mũi vaccine cơ bản và tăng cường đang có mặt khắp nơi, triệu chứng do Omicron gây ra dường như nhẹ hơn các biến chủng trước và nhiều quan chức chính phủ đã đưa ra cam kết không gây gián đoạn kinh tế.

Tuy nhiên, tốc độ lây lan nhanh của Omicron và sự thiếu hụt công cụ xét nghiệm khiến nhiều gia đình và doanh nghiệp thêm lo lắng với đại dịch.

Kathryn Wylde, chủ tịch và giám đốc công ty Partnership ở thành phố New York, cho biết qua một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại như sau: “Chắc chắn biến thể này đang ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế”.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt khiến nhiều công ty lại yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà và làm tan biến niềm hy vọng của các chủ doanh nghiệp gặp lại nhân viên vào tháng giêng năm 2022.

“Mọi thứ vẫn chưa có gì chắc chắn. Nếu tình trạng này kéo dài, nhân viên sẽ khó sớm quay lại văn phòng”, bà Wylde đổ lỗi cho sự xuất hiện của Omicron và tranh cãi về quy định bắt buộc tiêm vaccine cho nhân viên các doanh nghiệp tư nhân ở thành phố New York.

Tất cả những điều kể trên giải thích vì sao một số kinh tế gia đang phải hạ thấp hơn dự đoán của họ cho những tháng đầu năm 2022.

“Quí 1-2022 có thể sẽ khởi đầu không mạnh mẽ cho lắm”, Aneta Markowska, kinh tế trưởng thuộc tập đoàn tài chính Mỹ Jefferies, nhận định. Theo Bà Markowska, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ trong ba tháng đầu năm 2022, con số thấp nhất từ khi đà phục hồi bắt đầu từ giữa năm 2020. Bà cũng dự đoán quỹ lương ở Mỹ có thể sẽ co lại trong tháng 1-2022, đảo ngược xu hướng tăng mạnh trong nhiều tháng liền.

Một điều vẫn chưa rõ nữa là số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh gần đây có ý nghĩa gì đối với lạm phát và chuỗi cung ứng. Biến thể Delta xuất hiện vào năm nay đã gây áp lực đối với chuỗi cung ứng khi các nhân viên nhiễm virus, đặc biệt là nhà máy ở châu Á.

Trong khi đó, hiện nay vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận liệu Omicron có làm đảo ngược một số diễn biến tích cực gần đây trong cuộc khủng hoảng nguồn cung, vốn là nguyên nhân gây ra lạm phát cao nhất ở Mỹ trong nhiều thập niên qua.

Gus Faucher, kinh tế trưởng của tập đoàn dịch vụ tài chính PNC, nói: “Nguyên nhân chính là vấn đề sản xuất ở nước ngoài và sự thiếu hụt số lượng tài xế xe tải, nhân viên nhà kho. Omicron khiến nhiều người không thể đi làm, làm trầm trọng các vấn đề về nguồn cung và khiến giá tăng”.

Cuối cùng, thời gian kéo dài của làn sóng Omicron sẽ quyết định mức tăng trưởng của các nền kinh tế, các chuỗi cung ứng và cả diễn biến cuộc sống hằng ngày, cũng như xã hội sẽ phản ứng như thế nào. Tuy nhiên, vẫn có lý do để hy vọng rằng khi Omicron lây nhiễm quá nhanh có nghĩa là ảnh hưởng của nó sẽ không kéo dài quá mức.

—————-

Nguồn tham khảo:

https://www.reuters.com/markets/stocks/omicron-worries-drag-thai-baht-lower-malaysia-stocks-up-1-2021-12-27/

https://edition.cnn.com/2021/12/28/economy/covid-economy-omicron/index.html

https://www.aljazeera.com/economy/2021/12/28/apple-shuts-all-nyc-stores-to-shoppers-as-omicron-cases-surge

Andy Huỳnh Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bien-the-omicron-dang-gay-xao-tron-toan-cau/