Bị rắn cắn, dùng miệng hút nọc độc có sao không?

Dùng miệng hút nọc độc khi bị rắn cắn vừa không hiệu quả vừa có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng, gây hại cho cả người bệnh và người cấp cứu.

Theo kinh nghiệm dân gian và trong nhiều bộ phim, khi bị rắn cắn, người ta thường dùng miệng hút nọc độc để sơ cứu tại chỗ. Điều này có thực sự hiệu quả không, thưa bác sĩ? (Dương H. Minh, 40 tuổi, Phú Thọ)

Trả lời

Khi bị rắn cắn, các chất độc trong nọc rắn khuếch tán rất nhanh ra các mô xung quanh, sau đó theo hệ bạch huyết và một phần theo tĩnh mạch lan ra khắp cơ thể nạn nhân và gây độc.

Do vậy, việc dùng miệng hút nọc độc là không hiệu quả, còn có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng, gây hại cho cả người bệnh và người cấp cứu. Người dân tuyệt đối không nên sơ cứu theo cách này.

Bên cạnh đó, việc chích rạch vết thương khi bị rắn cắn nhằm để nọc độc chảy ra ngoài, sau đó đắp lá lên vết thương cũng là cách xử trí hoàn toàn không đúng.

Việc chích rạch tại chỗ bị rắn cắn khiến mất thêm thời gian để đến cơ sở y tế, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Cũng chưa có loại lá cây nào được khoa học chứng minh có tác dụng điều trị khi bị rắn độc cắn, ngược lại còn có thể gây tác dụng phụ.

Việc sơ cứu không đúng cách khi bị rắn cắn có thể gây hoại tử tay chân, hôn mê, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

 Việc dùng miệng hút nọc độc khi bị rắn cắn là không hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Việc dùng miệng hút nọc độc khi bị rắn cắn là không hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Khi bị rắn cắn, nạn nhân nên nhanh chóng quan sát con rắn, nếu có thể thì chụp hình để về sau giúp nhân viên y tế nhận biết được loại rắn.

Sau đó, cần vệ sinh thật sạch vết thương dưới vòi nước chảy, băng ép tạm thời và đến ngay cơ sở y tế. Không nên băng bó quá chặt vì có thể làm tăng nguy cơ bị hoại tử do máu không được lưu thông.

Hiện nay, người bị rắn cắn thường được chỉ định dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Để đề phòng rắn độc cắn, người dân nên trang bị quần áo bảo hộ an toàn, khi đi đến những vùng tối nên trang bị đèn pin để soi đường.

Theo các chuyên gia, hiện tượng rắn cắn thường gia tăng vào mùa hè do đây là thời điểm rắn sinh sôi phát triển.

Việt Nam có khoảng 140 loài rắn, trong đó có khoảng 18 loài rắn độc ở đất liền và 13 loại rắn độc ở biển.

Nọc rắn độc gồm hơn 20 thành phần khác nhau, chủ yếu là protein chứa các men và độc tố polypeptide; tùy loại rắn mà thành phần chất độc cũng khác nhau.

BS Hà Giang Nam, Khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Thanh Thanh

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-ran-can-dung-mieng-hut-noc-doc-co-sao-khong-post789733.html