Bảo tồn và phát huy giá trị gốm Việt

Nhân Ngày quốc tế Bảo tàng (18.5) và kỷ niệm 2 năm thành lập, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức hội thảo 'Gốm Việt Nam: Bảo tồn di sản và phát triển đương đại'.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, sưu tầm cổ vật, lãnh đạo một số bảo tàng tư nhân, nghệ nhân gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Lái Thiêu, Phước Tích... Các đại biểu đã trình bày tham luận và thảo luận theo đến 2 chuyên đề: Gốm Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ truyền ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại.

GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung trình bày tham luận về lịch sử đồ gồm. Ảnh: N.Minh

GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung trình bày tham luận về lịch sử đồ gồm. Ảnh: N.Minh

Theo GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc phát minh ra đồ gốm là kết quả của những phát minh độc lập ở nhiều vùng trên thế giới, dựa trên kinh nghiệm sử dụng lửa và khai thác tài nguyên từ các giai đoạn trước đó. Cả nguyên nhân môi trường (như nguồn đất sét, nhiên liệu, nước, cảnh quan, đường vận chuyển) và nguyên nhân văn hóa (như loại thức ăn, cách chế biến, cách dự trữ) đều có vai trò quan trọng trong việc sản xuất và sử dụng đồ gốm. Chức năng của đồ gốm phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và không nhất thiết phải gắn với một hoạt động kinh tế cụ thể như nông nghiệp hay lối sống định cư.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, đồ gốm ở Việt Nam xuất hiện sớm, gắn với kinh tế trồng trọt, định cư và công cụ mài. Trước đây, đồ gốm được cho là bắt đầu được sử dụng từ văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, khoảng 10.000 năm trước. Tuy nhiên, nghiên cứu sau này cho thấy phần lớn mảnh gốm trong hang động thuộc các văn hóa này có thể từ thời kỳ muộn hơn, khi hang được dùng để chôn người chết hoặc trú ẩn.

Những phát hiện khảo cổ học Việt Nam hiện nay xác nhận có bốn khu vực đồ gốm sớm nhất, tất cả đều phân bố ở ven biển Bắc Trung Bộ. Từ Bắc vào Nam đó là Cái Bèo, Tràng An, Đa Bút và Quỳnh Văn, là những khu vực văn hóa Hậu - Hòa Bình, Hậu - Bắc Sơn. Đồ gốm được sản xuất và sử dụng ở bốn khu vực này đều gắn với lối sống định cư trong hang hay ngoài trời, kinh tế khai thác tự nhiên, đặc biệt là nguồn tài nguyên biển. Mỗi khu vực đều có những đặc điểm riêng về đồ gốm theo chất liệu, loại hình và trang trí.

Bản đồ gốm Việt Nam

Bản đồ gốm Việt Nam

Gốm đã mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người, bao gồm khả năng chứa đựng và bảo quản thức ăn, nước uống, cũng như các loại nguyên liệu khác. Điều này giúp cải thiện vệ sinh và an toàn thực phẩm, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các hoạt động kinh tế và trao đổi.

"Sự phát minh ra đồ gốm còn phản ánh sự phát triển của tư duy sáng tạo và khả năng kỹ thuật của con người. Đồ gốm không chỉ có chức năng thực tiễn mà còn mang giá trị nghệ thuật cao, với nhiều hoa văn và kiểu dáng đa dạng, thể hiện sự phong phú trong văn hóa và tín ngưỡng của các cộng đồng tiền sử", GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.

Nhắc đến gốm không thể không nhắc sông Hương chảy qua Kinh thành Huế. Một khối lượng lớn các loại gốm được vớt lên từ dòng sông này phản ánh cụ thể, chân xác đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử, từ khi con người biết làm gốm, trồng lúa từ hàng nghìn năm trước cho đến tận ngày nay.

TS. Nguyễn Anh Thư, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, đồ gốm cổ được tìm thấy ở sông Hương đã phản ánh rõ nét tiến trình phát triển của Thừa Thiên Huế qua 3 giai đoạn chính: giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh (cách đây trên dưới 2.500 năm); giai đoạn văn hóa Champa (từ 192 - 1306); giai đoạn văn hóa Đại Việt - Việt Nam (từ thế kỷ XI đến nay). Những đồ gốm cổ được tìm thấy ở sông Hương chính là nguồn tư liệu vật chất quý giá, một bộ thông sử bằng vật thật vô cùng độc đáo xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử của một vùng đất trọng yếu ở miền Trung. Sưu tập cổ vật sông Hương có thể giúp các nhà nghiên cứu nhận diện một phần quan trọng của quá khứ Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung.

Hiện nay, trong điều kiện "nguồn cung" từ sông Hương đã cạn kiệt, nhiều hiện vật vớt từ lòng sông và từ một số nơi khác ở Huế đã bị phân tán trong và ngoài nước. Do đó, Theo TS. Nguyễn Anh Thư, "nếu không sớm được tư liệu hóa và nghiên cứu bài bản hệ thống những hiện vật này với cách tiếp cận và phương pháp phù hợp thì sẽ khó có thể nhận diện một phần quan trọng của quá khứ Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung".

Trình diễn nghệ thuật vuốt gốm thủ công. Ảnh: N.Minh

Trình diễn nghệ thuật vuốt gốm thủ công. Ảnh: N.Minh

Hội thảo cũng được nghe chia sẻ về quá trình hồi sinh gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế), gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm của người Khmer ở Nam Bộ. Từ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực hành, nghệ nhân các làng nghề đã phát huy giá trị gốm Việt bằng cách thổi một làn gió mới với các thiết kế đương đại; hoặc biến nghề gốm và sản phẩm gốm thủ công thành tài nguyên du lịch...

Bên lề hội thảo còn diễn ra hoạt động trưng bày chuyên đề gốm Phước Tích; trưng bày tác phẩm gốm Bát Tràng, gốm Hương Canh của họa sĩ Lê Thiết Cương; tác phẩm gốm Phù Lãng của họa sĩ Vũ Hữu Nhung; giao lưu với nghệ nhân các làng gốm ở Việt Nam.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-gom-viet-i371988/