Bài 1: Tây Ninh thuận lợi - khó khăn đan xen

Tây Ninh được đánh giá là địa phương có dư địa lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chăn nuôi vốn là ngành sản xuất truyền thống, luôn được tỉnh 'trợ lực' kịp thời để ngành có bước phát triển cả về lượng và chất.

Hệ thống thủy lợi Tây Ninh dồi dào, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chăn nuôi.

Hệ thống thủy lợi Tây Ninh dồi dào, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chăn nuôi.

Nhiều tiềm năng, lợi thế...

Phát biểu tại họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh mới đây, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp với địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa.

Nguồn lực đất đai rộng lớn cùng với hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng và các tuyến kênh, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông sẽ bảo đảm nguồn nước tưới ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt...

Nông nghiệp Tây Ninh vẫn là ngành sản xuất quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, hiện nay, nông nghiệp chiếm khoảng 19,8% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với diện tích sản xuất nông nghiệp 341.600 ha chiếm 84,5% so với diện tích tự nhiên, trong cơ cấu kinh tế ngành nông lâm thủy sản, trồng trọt chiếm 72%, chăn nuôi chiếm 23%. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng cao su, mía, mì, mãng cầu, lúa, rau màu...

Chăn nuôi phát triển mạnh, công tác quản lý vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Nhờ đó, những tháng đầu năm 2024, tình hình chăn nuôi ổn định; đàn trâu, bò giảm; đàn heo, gia cầm tăng mạnh; ước số lượng gia súc, gia cầm đạt 95,5% so với KH, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với định hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi được tỉnh phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học.

Huyện Tân Châu là địa phương được đánh giá có nhiều ưu thế về nông nghiệp, chăn nuôi. Huyện đã tập trung triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học gắn với thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Mô hình chăn nuôi khép kín, bảo đảm an toàn sinh học, giúp đàn vật nuôi hạn chế dịch bệnh.

Mô hình chăn nuôi khép kín, bảo đảm an toàn sinh học, giúp đàn vật nuôi hạn chế dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết: Hiện nay, huyện có tiềm năng, lợi thế từ quỹ đất Công ty Cổ phần Mía đường Tây Ninh và Công ty Cổ phần Cao su 1-5 Tây Ninh được tỉnh giao về địa phương quản lý theo Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện đang triển khai Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích dự kiến 1.600 ha tại xã Suối Dây để phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi do đem lại nhiều lợi ích lớn cho địa phương.

“Trước đây các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thì việc hình thành các vùng chăn nuôi sản xuất vùng tập trung, liên kết và gắn với nhà đầu tư sẽ thay đổi được diện mạo ngành nông nghiệp của địa phương, góp phần nâng cao giá trị, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và tiến tới mục tiêu phát triển bền vững” – bà Phượng nói.

Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều đề án, dự án nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Đặc biệt là mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào chăn nuôi; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Qua đó, tỉnh đã thu hút, mời gọi thành công các doanh nghiệp lớn như Hùng Nhơn, BaF, Vinamilk đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn gắn với vùng an toàn sinh học, nâng tỷ lệ chăn nuôi tập trung, an toàn toàn tỉnh đạt 78%, từng bước gia tăng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu của toàn ngành theo định hướng.

Ông Gabor Fluit- Tổng giám đốc toàn cầu tập đoàn Hoàng gia De Heus cho biết: Chúng tôi lựa chọn Tây Ninh để đầu tư vì đây là một địa phương có lợi thế về giao thông, rất thuận tiện khi xuất khẩu sang thị trường Campuchia, đưa về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.

Có thể thấy, với tiềm năng, lợi thế và sự tạo điều kiện, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, địa phương chính là những thuận lợi để tạo đà cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định vai trò quan trọng và sự đóng góp của lĩnh vực chăn nuôi đối với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương.

Khó khăn, thách thức đan xen

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nhưng ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp tại Tây Ninh rất lớn, tuy nhiên, việc thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chi phí đầu tư cao trong khi sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động thị trường.

Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước có nhiều biến động, giá cả nông sản thiếu ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, nhất là giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất.

Hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp.

Hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp.

Ngoài ra, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao; nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế. Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng do phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, khiến giá thành sản xuất “đội lên”. Ở nhiều thời điểm, người chăn nuôi phải duy trì đàn, song lợi nhuận gần như không có, thậm chí thua lỗ...

Không chỉ chịu áp lực từ giá, tình hình dịch bệnh phức tạp cũng là trở ngại lớn đối với người chăn nuôi. Mặc dù thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được Tây Ninh quan tâm, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi vẫn liên tục phải phòng, chống, bảo vệ đàn vật nuôi bởi nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 587 trang trại chăn nuôi gia súc với 275.735 con và 109 trang trại chăn nuôi gia cầm với trên 7,7 triệu con; huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà và 67 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà…

Tuy nhiên, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; chưa phát triển được nhiều chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ; việc đầu tư phát triển cơ sở giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi chưa hiệu quả… Đây chính là những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi thời gian qua có tăng trưởng nhưng chưa thật sự bứt phá.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-tay-ninh-thuan-loi-kho-khan-dan-xen-a172853.html