Bài 1: Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm gần đây, Tây Ninh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi kênh tưới, kênh tiêu đã giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế tình trạng mùa khô lo thiếu nước, mùa mưa sợ ngập.

Kênh tiêu Hội Thành (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Kênh tiêu Hội Thành (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Đầu tư có trọng tâm, hướng đến lâu dài

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), ngành nông nghiệp xác định việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng thủy lợi phải đồng bộ theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện các dự án kênh tiêu: Hội Thành, Hội Thạnh, Tân Phú - Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu; đặc biệt là các kênh tiêu thuộc dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng các huyện Tân Biên, Gò Dầu, Dương Minh Châu giúp chuyển đổi cây trồng với diện tích khoảng 7.790 ha từ lúa, rau màu sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao;

Chú trọng đầu tư công trình kết hợp công trình trên kênh (điều tiết), hệ thống điện, đường quản lý vận hành kết hợp vận chuyển nông sản giúp kênh tiêu phục vụ cấp nước tưới, điều tiết nước, giữ ẩm, tạo nguồn, dâng mực nước vào mùa khô và tiêu thoát nước vào mùa mưa; chủ động nguồn nước tưới canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất; bờ kênh được nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 12.2023: ngành thực hiện đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa 207 công trình, hạng mục công trình với tổng số tiền 2.478,285 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, tỉnh thực hiện 13 dự án thủy lợi, với tổng mức đầu tư 2.319,925 tỷ đồng, gồm: 2 dự án kênh tưới (1.845,364 tỷ đồng), 9 dự án kênh tiêu (218,615 tỷ đồng), 2 trạm bơm (255,948 tỷ đồng) để chủ động cấp nước tưới, tiêu cho 31.030 ha (diện tích tưới: 17.350 ha; diện tích tiêu nước: 14.980 ha).

Nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi và vốn hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh thực hiện duy tu sửa chữa thường xuyên 194 công trình, hạng mục công trình với tổng kinh phí 158,36 tỷ đồng.

Hiệu quả thiết thực

Tại các xã Phước Ninh, Phước Minh, Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu) có địa hình thấp, thường bị ngập vào mùa mưa. Những năm trước đây, khi chưa có hệ thống kênh tiêu, ngay sau những cơn mưa đầu mùa, người dân đã phải lo nhổ mì vì sợ ruộng mì bị ngập.

Tuy nhiên, hiện nay người trồng khoai mì ở khu vực này không còn lo lắng nhổ mì chạy ngập, những vùng đất nằm trong hệ thống đầu tư kênh tiêu đều thoát nước tốt nên người trồng mì có thể kéo dài thời gian canh tác, nâng cao năng suất khoai mì thu hoạch.

Hệ thống thủy lợi dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 1) mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống thủy lợi dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 1) mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp.

Kênh tiêu Hội Thanh – Hội Thành (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) cũng đã giải quyết được tình trạng ngập vào mùa mưa cho khoảng 1.000 ha trồng khoai mì của xã. Trước đây, không thể để đất trống hoang phí nên người dân trồng mì. Năm nào mưa lớn, không thu hoạch kịp, nông dân coi như mất trắng vì cây mì ngập nặng.

Sau khi hệ thống kênh tiêu Hội Thanh – Hội Thành hoàn thành, người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mãng cầu, cam, bưởi... Mùa mưa, nông dân cũng không còn lo ngại ruộng mì bị ngập, cây mì phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhờ đó, kinh tế của người dân địa phương được nâng cao.

Một dự án hạ tầng thủy lợi được xem là nổi bật của tỉnh trong thời gian qua là dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, kênh tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thi công kênh tiêu Tân Phú – Tân Hưng, huyện Tân Châu. Ảnh minh họa

Thi công kênh tiêu Tân Phú – Tân Hưng, huyện Tân Châu. Ảnh minh họa

Xã Hảo Đước, huyện Châu Thành là một trong các địa phương được thụ hưởng hệ thống dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông, người dân nơi đây không còn lo lắng đến vấn đề thiếu nước canh tác vào mùa khô. Theo lãnh đạo UBND xã Hảo Đước, dự án đã mang lại những điều kiện thuận lợi cho nông dân. Nhờ hệ thống tưới tiêu mà người dân xã Hảo Đước đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Biện Việt Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng cho biết, địa phương mong muốn cơ quan thẩm quyền sớm triển khai dự án nạo vét rạch Gò Suối để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho vùng chuyên canh lúa khoảng 200ha trên địa bàn xã; bảo đảm khả năng tiêu thoát nước vào mùa mưa, không còn xảy ra tình trạng ngập úng, giúp người dân an tâm canh tác nông nghiệp.

Tấn Hưng

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-nong-dan-manh-dan-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-a172885.html