Ba thế hệ 'nữ chiến sĩ Điện Biên Phủ' trên đồi A1

Du khách và các cựu chiến binh về thăm Điện Biên Phủ những ngày tháng 5 lịch sử đều bày tỏ xúc động khi các di tích được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.

Dâng trào hạnh phúc khi đến với Điện Biên

Dưới tán phượng nở rực rỡ ở cứ điểm Đồi A1, bà Vũ Thị Chung (SN 1966, trú huyện Nam Trực, Nam Định) cùng con gái và cháu gái ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong lần đầu tiên được đặt chân đến địa điểm diễn ra trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điều đặc biệt, ba người phụ nữ thuộc ba thế hệ này đang mặc trên mình trang phục chiến sĩ Điện Biên.

Bà Vũ Thị Chung cùng con, cháu tại cứ điểm Đồi A1.

"Chúng tôi dự định ở đây đến hết lễ kỷ niệm nên mang nhiều đồ, váy vóc, áo dài đều có, nhưng tôi quyết định thuê trang phục chiến sĩ Điện Biên cho mọi người khi đến thăm các di tích để có thể lưu lại những bức hình đẹp và ý nghĩa nhất", bà Chung nói.

Bà Chung chia sẻ, gia đình bà có mặt tại TP Điện Biên Phủ từ chiều 2/5, sau 12 tiếng di chuyển bằng xe cá nhân.

"Vượt gần 600 km đường bộ nhưng khi đặt chân đến mảnh đất này, tôi và con cháu dường như quên hết sự mỏi mệt, thay vào đó là dâng trào niềm hạnh phúc", bà Chung bộc bạch.

Theo người phụ nữ, khi tham quan Đồi A1, bà càng biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa để giành độc lập dân tộc.

"Đó cũng là cảm xúc khi tôi chứng kiến những khối chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành chiến thắng Điện Biên Phủ hôm nay. Tôi đi bộ quãng đường gần 1 km cùng các chiến sĩ, mặc dù trời nắng như đổ lửa, mồ hôi ướt thẫm, nhưng lòng tôi cứ hừng hực và hát theo những khúc hát quân hành", bà Chung nói.

Bà Vũ Thị Chung nhấn mạnh, bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di tích lịch sử mang dấu ấn của công cuộc dựng nước và giữ nước là giúp thế hệ trẻ có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

"Mọi người hãy đến với Điện Biên những ngày này để khắc sâu công ơn của thế hệ cha anh và cũng nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ", người phụ nữ nói thêm.

Đi dọc chiến hào xung quanh hầm chỉ huy de Castries, cựu sĩ quan Phòng không - Không quân Nguyễn Kim Sơn (trú huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, sau 7 năm nghỉ hưu, nay ông trở lại thăm các di tích của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trở lại Điện Biên lần này cùng Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), ông Sơn thực sự vui mừng bởi các di tích được bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn, phục vụ tốt cho những du khách tham quan.

"Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là móc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trước thực dân Pháp mà còn cỗ vũ tinh thần cách mạng của nhiều dân tộc đang bị áp bức trên thế giới", cựu sĩ quan Phòng không - Không quân đánh giá.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với thế hệ của ông Sơn và các đồng đội là nguồn động viên to lớn, bài học lịch sử quan trọng, thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam trước mọi thế lực ngoại xâm và giặc nội xâm.

Gửi lời tới thế hệ trẻ sống trong thời bình, ông Sơn nói thế hệ mai sau nên có ý thức trong việc xây dựng đất nước phát triển phồn thịnh để xứng đáng với những gì mà cha ông hy sinh xương máu giành được.

"Thế hệ trẻ đang không ngừng phát huy truyền thông của cha ông năm xưa thông qua những hành động cụ thể. Lễ kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng rõ ràng nhất khi hàng nghìn chiến sĩ các lực lượng vũ trang tham gia sự kiện này", ông Sơn nói.

Toàn cảnh hầm chỉ huy de Castrie.

Kênh TikTok độc đáo về quê hương

70 năm đã qua, sự kiện "Chín năm làm một Điện Biên" có nhiều bài học ý nghĩa với lịch sử và thời đại để những người Việt trẻ tự hào về chiến công hiển hách, về tinh thần quật khởi của cha anh, từ đó ngày ngày rèn luyện, phấn đấu xây dựng đất nước.

Đỗ Hoàng Linh (lớp 11, Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên) cho biết, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, em cùng bạn bè xây dựng kênh TikTok với những video về nhân vật lịch sử, cựu chiến binh hoặc những di tích ở Điện Biên (Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên, Đồi A1, hầm de Castries, tượng đài chiến thắng Điện Biên…

"Chúng em mong muốn góp một phần công sức để truyền tải những thông điệp ý nghĩa, giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử, hiểu hơn về quê hương Điện Biên", Linh nói.

Để có nội dung đăng tải lên mạng xã hội, Linh cho hay, em thường tới các di tích tại tỉnh Điện Biên để thu thập tư liệu hoặc gặp trực tiếp những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch.

"Khi được nghe kể những câu chuyện của cựu chiến binh, những nhân chứng sống của chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng em có thể rút ra được những dẫn chứng cụ thể, nội dung đăng tải lên mạng xã hội sẽ chính xác, thu hút người xem tốt hơn", Đỗ Hoàng Linh chia sẻ.

Cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ Phạm Bá Miều chia sẻ với Đỗ Hoàng Linh (ngoài cùng bên trái) về những kỷ niệm chiến trường.

Chị Lê Hà (SN 1992, trú tại TP Điện Biên Phủ) cho rằng sự tồn tại của những di tích lịch sử là sự minh chứng rõ ràng cho một thời đại anh hùng và công lao to lớn của cha anh.

"Sự hy sinh lớn lao đó để những người con của Điện Biên nói riêng, những người Việt Nam nói chung được hưởng nền hòa bình và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, với tôi, việc gìn giữ và bảo tồn di tích, lan tỏa những thông tin lịch sử là việc làm rất quan trọng, là trách nhiệm của những người trẻ, đặc biệt là người trẻ Điện Biên", chị Hà nói.

Theo chị Hà, thế hệ trẻ có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm, tiếp thu kiến thức và thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.

Chị dẫn ví dụ những ngày này, trên mạng xã hội, các bạn trẻ thường xuyên đăng tải, chia sẻ những hình ảnh, video về chiến dịch Điện Biên Phủ, về lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng…

"Số lượng người trẻ quan tâm và tìm hiểu lịch sử ngày càng tăng lên, đó thực sự là điều đáng mừng. Nếu bạn không có điều kiện đến trực tiếp các di tích thì vẫn có thể tìm hiểu về lịch sử thông qua các nền tảng khác", chị Hà chia sẻ.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ba-the-he-nu-chien-si-dien-bien-phu-tren-doi-a1-ar868881.html