Airbus vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trước cả khi Boeing gặp rắc rối

Airbus đã 'vượt mặt' Boeing trong 5 năm liên tiếp về số lượng máy bay được đặt hàng và bàn giao, và gần đây hãng này vừa báo cáo lợi nhuận ròng tăng 28% trong quý mới nhất.

Biểu tượng hãng Airbus (phía trên) và Boeing (phía dưới). Ảnh: AFP/ TTXVN

Biểu tượng hãng Airbus (phía trên) và Boeing (phía dưới). Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong cuộc đua giành vị thế thống trị thị trường máy bay thương mại kéo dài hàng thập niên, hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu đã duy trì vị thế dẫn đầu về doanh số bán hàng so với đối thủ Boeing (Mỹ), thậm chí trước cả khi nhà sản xuất máy bay Mỹ gặp rắc rối hơn từ các vấn đề sản xuất và lo ngại về an toàn chưa được giải quyết.

Airbus đã “vượt mặt” Boeing trong 5 năm liên tiếp về số lượng máy bay được đặt hàng và bàn giao, và gần đây hãng này vừa báo cáo lợi nhuận ròng tăng 28% trong quý mới nhất. Airbus đã giành được thị phần nhờ việc đi trước Boeing trong việc phát triển dòng máy bay thân hẹp, tiết kiệm nhiên liệu, giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí.

Trong khi hiện nay, Boeing đang phải đối mặt với hạn mức sản xuất do chính phủ quy định đối với mẫu máy bay bán chạy nhất của mình.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích hàng không, Airbus khó có thể mở rộng đáng kể khoảng cách trong cuộc đua giữa Airbus và Boeing mặc dù có nhiều khách hàng đang yêu cầu thêm máy bay thương mại. Lý do là Airbus hiện đã sản xuất máy bay với công suất tối đa và còn hơn 8.600 đơn đặt hàng cần hoàn thành.

Theo ông Jonathan Berger, Giám đốc điều hành tại Alton Aviation Consultancy, khả năng tận dụng những khó khăn của Boeing của Airbus "rất hạn chế". Giữa tình trạng chuỗi cung ứng căng thẳng và thời gian chờ đợi lâu đối với một sản phẩm cực kỳ phức tạp và được quản lý chặt chẽ, một chiếc máy bay được đặt hàng từ Airbus ngày hôm nay có thể phải đến cuối thập niên này mới đến tay hãng hàng không.

Boeing cũng có một lượng đơn đặt hàng khổng lồ cho hơn 5.660 máy bay thương mại. Nhu cầu đi lại bằng máy bay sau đại dịch COVID-19 và khả năng cung cấp máy bay không đồng nhất là tin xấu cho cả hành khách và các hãng hàng không.

Đầu năm nay, Boeing dường như cuối cùng có thể hồi phục sau hai vụ tai nạn máy bay Max vào năm 2018 và 2019 khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Indonesia (In-đô-nê-xi-a) và Ethiopia (Ê-ti-ô-pi-a). Tuy nhiên, vào ngày 5/1, sự cố trên chiếc Boeing 737 Max 9 của hãng hàng không Alaska Airlines đã đưa Boeing “trở lại tầm ngắm” của các cơ quan quản lý.

Kể từ đó, Boeing đã buộc phải giảm sản xuất theo yêu cầu của Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Nhà sản xuất máy bay này đã lỗ 355 triệu USD trong quý đầu tiên do lượng giao hàng máy bay giảm và khoản bồi thường phải trả cho các hãng hàng không do tạm thời ngừng hoạt động các máy bay Max 9. Max là dòng máy bay mà Boeing sản xuất để cạnh tranh với dòng A320 của Airbus.

Airbus đang có lập trường thận trọng và thậm chí khiêm tốn đối với thành công gần đây của mình và những bất ổn của đối thủ. Giám đốc điều hành Guillaume Faury cho biết ông "không vui vẻ" về những rắc rối của Boeing và chúng không tốt cho toàn ngành.

Trò chuyện với báo chí hôm 25/4, ông Faury tỏ ra thận trọng về việc công ty có thể tăng tốc sản xuất bao nhiêu, ngay cả khi có 8,7 tỷ euro tiền mặt. Airbus đang phải giải quyết "nhiều thách thức khác nhau". Ông Faury nhấn mạnh rằng bất kỳ động thái nào nhằm mở rộng sản xuất đều sẽ được thực hiện với mục tiêu hướng đến "các trụ cột cốt lõi về an toàn, chất lượng, tính toàn vẹn, tuân thủ và bảo mật".

Airbus và Boeing có những hạn chế về sản xuất một phần vì hai công ty này không chỉ là nhà sản xuất máy bay mà còn là "nhà lắp ráp máy bay" phụ thuộc vào hàng nghìn bộ phận do các công ty khác sản xuất, từ thân máy bay và động cơ đến thiết bị điện tử và nội thất. Do "các chuỗi cung ứng đang hoạt động hết công suất", Airbus không ở vị trí để nhảy vào và chiếm lấy khách hàng của Boeing.

Tuy nhiên, Airbus đã ghi nhận một chiến thắng mang tính biểu tượng khi hãng hàng không United Airlines ký hợp đồng thuê 35 máy bay Airbus do sự chậm trễ của Boeing trong việc xin giấy phép cho mẫu máy bay Max 10 cỡ lớn mới của hãng từ các nhà quản lý Mỹ.

Năm 2023, Airbus đã vượt qua Boeing năm thứ năm liên tiếp về số lượng máy bay được đặt hàng, với 2.094 đơn đặt hàng ròng và 735 máy bay được bàn giao. Boeing có 1.314 đơn đặt hàng ròng và giao 528 máy bay.

Theo số liệu từ Alton Aviation Consultancy, hiện tại Airbus đang dẫn đầu Boeing về doanh số bán máy bay thân đơn lớn với tỷ lệ 80% - 20%. Thành công của Airbus không chỉ đơn thuần do những bước đi sai lầm của Boeing. Công ty này cũng được hưởng lợi từ quyết định ra mắt A321neo, có động cơ tiết kiệm nhiên liệu cao giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí. Boeing đã vội vàng tung ra mẫu Max để cạnh tranh, một chiếc 737 được trang bị động cơ mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn, nhưng lại gặp phải rắc rối với các vụ tai nạn và sự cố rơi cửa máy bay trên không.

Airbus cũng được hưởng lợi từ thỏa thuận tiếp quản dòng máy bay A220 nhỏ hơn do Bombardier của Canada (Ca-na-đa) phát triển. Boeing không có sản phẩm cạnh tranh trong phân khúc này. Các nhà phân tích cho biết Airbus có thêm một lợi thế nữa với A321XLR sắp tới, một mẫu máy bay cho phép các hãng hàng không sử dụng máy bay thân hẹp giá rẻ hơn cho các chuyến bay đường dài.

Tuy nhiên, công ty đã lùi thời hạn sản xuất 75 máy bay A320 và A321 mỗi tháng từ năm 2025 đến năm 2026, và công ty cũng đã lùi ngày giao hàng dự kiến cho A321XLR từ quý II/2024 sang quý III/2024.

Tốc độ sản xuất hiện tại của Boeing và Airbus đồng nghĩa với việc các máy bay cũ, tốn nhiên liệu hơn sẽ phải bay lâu hơn trước khi bị “đắp chiếu”, do đó các hãng hàng không sẽ không thể giảm chi phí nhiên liệu. Máy bay cũ cũng cần bảo dưỡng nhiều hơn để duy trì hoạt động, điều này tốn kém nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nếu việc bảo dưỡng được thực hiện đúng cách. Đối với hành khách, điều này có nghĩa là việc tìm được vé máy bay giảm giá sẽ khó khăn hơn.

Airbus đã báo cáo lợi nhuận ròng quý I/2024 tăng 28% nhờ việc bàn giao máy bay và sản xuất tăng, một ngày sau khi đối thủ của hãng là Boeing báo cáo hoạt động thua lỗ.

Lợi nhuận ròng của Airbus trong ba tháng đầu năm 2024 đã tăng lên 595 triệu euro (637 triệu USD), trong khi doanh thu tăng 9% lên 12,8 tỷ euro. Đáng chú ý, Airbus đã bàn giao 142 máy bay thương mại trong quý đầu tiên của năm, so với mức 127 chiếc cùng kỳ năm ngoái. Hiện Airbus còn lượng đơn đặt hàng tồn đọng là 8.626 máy bay, trong đó 7.177 máy bay thuộc dòng A320 thân hẹp.

Mức lợi nhuận gia tăng của Airbus trái ngược hẳn với Boeing - đã báo lỗ 343 triệu USD trong quý đầu tiên, phản ánh những rắc rối về an toàn gần đây khiến việc sản xuất và giao hàng bị chậm lại.

Boeing đã tạm thời giảm sản lượng máy bay 737 bán chạy nhất của mình sau sự cố của một chiếc máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines hồi tháng 1/2024, điều này đã làm dấy lên sự giám sát chặt chẽ từ các nhà quản lý Mỹ và cả khách hàng hàng không. Máy bay 737 của Boeing cạnh tranh trực tiếp với dòng A320 của Airbus, và Airbus cho biết hãng đặt mục tiêu sản xuất 75 chiếc A320 mỗi năm vào năm 2026 và đang "đạt được tiến bộ" hướng tới mục tiêu đó sau khi giao trung bình 48 chiếc mỗi tháng trong năm 2023.

Minh Hằng (Theo AP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/airbus-van-duy-tri-vi-the-dan-dau-truoc-ca-khi-boeing-gap-rac-roi/332738.html