65 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn: Tri ân sâu sắc các thế hệ cha anh

Năm nay, cả nước kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Truyền thống đó khởi nguồn với việc thành lập 'Đoàn công tác quân sự đặc biệt' (Đoàn 559), có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.

Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Đầu tháng 5-1959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở tuyến giao thông vận tải vào miền Nam. Đây là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Người được Bộ chính trị lựa chọn và trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức tuyến đường là Thượng tá Võ Bẩm. Cuộc họp triển khai nhiệm vụ diễn ra tại Hà Nội ngày 19/5/1959, đơn vị được mang tên Đoàn 559 (tức tháng 5-1959, cũng từ đó, ngày 19-5 được coi là ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn).

Từ một đơn vị đặc biệt, trưởng thành trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, Đoàn 559 đã phát triển lớn mạnh thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - đơn vị cấp quân khu. Giữa năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có tất cả 8 sư đoàn binh chủng, 20 trung đoàn và tương đương trực thuộc, hàng chục tiểu đoàn trực thuộc các cục nghiệp vụ...

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới; đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc.

Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe, máy… được xây dựng trong một thế trận ngày càng hoàn chỉnh, mở "khúc ruột" nối các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương.

Trong suốt 16 năm, Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào.

Đặc biệt, từ năm 1973 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu đường, đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới chiến trường miền Nam; luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đầu tháng 7-1975, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Tháng 10-1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 và Binh đoàn 14 trực thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn và được tăng cường thêm lực lượng của các đơn vị trong toàn quân chuyển sang làm kinh tế.

Đến năm 1979, Tổng cục Xây dựng kinh tế và Binh đoàn 14 giải thể, Binh đoàn 12 chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng, là đơn vị kế thừa truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng…

Tại Thái Nguyên, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh hiện có 1.500 hội viên, đang sinh hoạt tại 16 cơ sở hội. Những năm qua, Hội đã tích cực thực hiện các hoạt động tình nghĩa, giáo dục, phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn và cống hiến xây dựng quê hương. Từ năm 2012 đến nay đã có 583 lượt hội viên tham gia cấp ủy, làm bí thư chi bộ, trưởng xóm, tổ trưởng dân phố; các hội viên đã hiến gần 75.000m2 đất làm đường. Hội cũng vận động nguồn lực hỗ trợ các hội viên là cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như là làm nhà mới, tặng quà và sổ tiết kiệm...

Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; khắc ghi công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia, phục vụ chiến đấu làm nên con đường huyền thoại, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chi Minh.

Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất cao quý của Bộ đội Trường Sơn để cùng thi đua học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202405/65-nam-truyen-thong-bo-doi-truong-sontri-an-sau-sac-cac-the-he-cha-anh-4a328e9/