65 năm mở đường Hồ Chí Minh: 'Địa chỉ đỏ' tri ân bộ đội Trường Sơn

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Đền tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn-Bến Tắt là 'địa chỉ đỏ' giáo dục về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tri ân, tưởng nhớ công ơn bộ đội Trường Sơn.

Nhân dân và du khách đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Nhân dân và du khách đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Sự hy sinh anh dũng và to lớn của hơn 20.000 cán bộ, chiến sỹ Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã làm nên tuyến đường Hồ Chí Minh vĩ đại. Các anh đã làm nên huyền thoại vĩnh hằng trong lịch sử của đất nước.

Chiến tranh qua đi, ngọn đồi Bến Tắt nơi Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn chọn làm đại bản doanh trong chiến tranh đã trở thành nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (nơi yên nghỉ của 10.263 anh hùng liệt sỹ) và Đền tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn-Bến Tắt (nơi thờ vọng hơn 10.000 liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước chưa tìm thấy hài cốt) là "địa chỉ đỏ" giáo dục về chủ nghĩa anh hùng cách mạng nói chung, tri ân và tưởng nhớ công ơn vô hạn về bộ đội Trường Sơn nói riêng.

Thời kỳ lịch sử không thể nào quên

Những cơn mưa giông xen lẫn với cái nắng gay gắt những ngày giữa tháng Năm vẫn không thể cản lại bước chân của các cựu chiến binh và những người dân từ mọi miền đất nước đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Giữa bạt ngàn ngôi mộ thẳng hàng nằm cạnh nhau trên rừng thông reo, những nén nhang thơm được thắp lên đã sưởi ấm anh linh của các anh. Chiến tranh đã lùi xa vào ký ức, nhưng những vết thương để lại thì vẫn không thể nào phai. Đó chính là minh chứng cho những hy sinh, gian khổ, ác liệt của các thế hệ cha ông đã dâng hiến cho mảnh đất đầy đau thương Quảng Trị.

Tiếng chuông vang vọng trên đỉnh Trường Sơn cùng với tiếng nhạc Hồn tử sỹ đã mang lại cho người đến viếng những cảm xúc không thể nào quên.

Dù sức khỏe hiện nay không còn tốt, cựu chiến binh Lê Phước Miễn (68 tuổi) vẫn vượt gần 40km từ thành phố Đông Hà lên Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn dâng hương cho các đồng đội của mình.

Ở cái tuổi “gần đất xa trời,” tâm nguyện của người cựu chiến binh già chỉ mong đến đây thường xuyên để thắp cho đồng đội, những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước một nén nhang thơm.

Tâm sự với chúng tôi, ông Miễn xúc động nói: "Tôi không thể nhớ hết số lần đến viếng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, nhưng mỗi lần đến lại mang cho tôi những cảm xúc nghẹn ngào, xúc động nhưng cũng rất đỗi hào hùng về một thời kỳ lịch sử không thể nào quên."

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, vượt qua biết bao mưa bom bão đạn, con đường mòn Trường Sơn đã trở thành con đường chiến lược Hồ Chí Minh huyền thoại.

 Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn được đặt tại đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Giờ Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn được đặt tại đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Giờ Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Binh đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn với phương châm “Đánh địch mà đi-Mở đường mà tiến” đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, vận tải khối lượng khổng lồ cả về lương thực, con người, vũ khí, đạn dược… chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường Trường Sơn của một thời đỏ lửa đã thắp sáng ý chí tiêu diệt quân thù, mở đường xe đi. Để con đường được thông suốt chi viện cho chiến trường miền Nam, những chàng trai, cô gái đã đào đất, san đường, bám tuyến. Trên tuyến đường này, dòng máu nóng của các anh, các chị đã đổ xuống để bảo vệ từng mét đường, tấc đất quê hương.

Sự hy sinh ấy là vô giá, khi các anh, các chị mãi mãi nằm lại mảnh đất này ở tuổi đôi mươi. Một nén nhang thơm cũng là một sự tri ân, tưởng nhớ, biết ơn đối với người đã khuất để sự cô đơn, lạnh lẽo được xua tan…

Là công trình thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn được khởi công xây dựng năm 1975 và hoàn thành vào năm 1977. Đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng của 10.263 phần mộ của các anh hùng, liệt sỹ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nghĩa trang được chia thành 5 khu vực chính, được quy hoạch hợp lý theo từng tỉnh, thành.

Ông Lê Ngọc Thanh (64 tuổi), cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên-Huế, chia sẻ: "Đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, cảm xúc của những người lính như chúng tôi rất bồi hồi, xúc động. Các anh đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này trong độ tuổi đẹp nhất của mỗi con người với những ước mơ và khát vọng đang dang dở. Hiện nay, rất nhiều liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, biết bao người mẹ ngóng tin con, vợ chờ chồng, con đợi cha mỏi mòn, khắc khoải."

Ông Thanh nói thêm: "Khác với các nghĩa trang khác, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ chủ yếu của bộ đội Trường Sơn, những người con trên khắp mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trên tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh để phục vụ cho việc chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Từng mét đường được đánh đổi bằng xương máu của các thế hệ cha ông. Sự hy sinh ấy là vô giá."

"Mỗi lần đến đây không chỉ bản thân tôi mà mỗi người đều cảm thấy biết ơn sâu sắc sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ để chúng ta sống trong hòa bình, độc lập ngày hôm nay," ông Lê Ngọc Thanh nói.

Biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu, công tác quy tập hài cốt đã được triển khai. Tuy nhiên, đến nay hàng vạn người con của Tổ quốc vẫn chưa được tìm thấy.

Máu xương của các anh, các chị đã nằm lại mãi trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, đã tan vào lòng đất hóa thành hồn cốt của quê hương, đất nước.

 Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 10.263 anh hùng, liệt sỹ. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 10.263 anh hùng, liệt sỹ. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Nằm trong quần thể Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Đền tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn-Bến Tắt được xây dựng vào năm 2012 để người dân, đồng bào trong cả nước đến hương khói, thờ phụng, tưởng nhớ đến những người anh hùng đang nằm lại trên khắp đại ngàn Trường Sơn chưa tìm thấy hài cốt.

Anh Đào Thanh Dũng, cán bộ tổ chức hướng dẫn thuộc Ban quản lý Di tích Bến tắt-Trung tâm Quản lý Bảo tàng và Di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị) cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi luôn túc trực mở cửa cả ngày lẫn đêm để đón tiếp thân nhân các gia đình liệt sỹ, cựu chiến binh, người dân đến dâng hương tưởng niệm. Với trách nhiệm được giao, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó để đồng bào cả nước ấm lòng mỗi khi đến đây."

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Đền tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn-Bến Tắt hiện nay được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, các khu mộ, phần mộ chăm sóc tốt, hương khói đầy đủ, cây cối xanh tươi, hoa nở bốn mùa; công tác đón tiếp, làm lễ diễn ra trang nghiêm, chu đáo.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, quản lý phần mộ cũng như đón tiếp các tổ chức, cá nhân, gia đình thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là nhiệm vụ hết sức thiêng liêng, cao cả.

 Đền tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn-Bến Tắt nơi thờ vọng hơn 10.000 liệt sỹ Trường Sơn chưa tìm thấy hài cốt. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Đền tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn-Bến Tắt nơi thờ vọng hơn 10.000 liệt sỹ Trường Sơn chưa tìm thấy hài cốt. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Riêng trong năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, nhiều hoạt động để tri ân đối với các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mang tên chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức.

Trong những ngày qua, đã có hàng trăm đoàn cựu chiến binh cũng như cơ quan, đơn vị, trường học đến thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Rời Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, tiếng chuông ngân vang vọng giữa rừng thông khiến lòng người như lặng lại. Nơi đây là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Các anh còn sống mãi với lịch sử dân tộc, trong lòng đất mẹ và nhân dân ta./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/65-nam-mo-duong-ho-chi-minh-dia-chi-do-tri-an-bo-doi-truong-son-post950879.vnp