4 tổ chức tài chính vi mô phục vụ khoảng nửa triệu khách hàng

Việt Nam có 4 tổ chức tài chính vi mô với khoảng 500.000 khách hàng. Tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của 4 tổ chức này đạt lần lượt là 10.380 tỷ đồng, 1.060 tỷ đồng và 2.444 tỷ đồng.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện – thực trạng và giải pháp” ngày 17/5, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết , khu vực tài chính vi mô đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Hiện có 4 tổ chức tài chính vi mô và 79 chương trình, dự án tài chính vi mô đã được NHNN cấp Giấy phép đăng ký. Số lượng khách hàng của 4 tổ chức tài chính vi mô đạt 500.000 khách hàng.

Tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của 4 tổ chức này đạt lần lượt là 10.380 tỷ đồng, 1.060 tỷ đồng và 2.444 tỷ đồng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội thảo. Ảnh: SBV.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì hội thảo. Ảnh: SBV.

Mặc dù vậy, quy mô hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô còn khá nhỏ so với tiềm năng phát triển và đang gặp nhiều khó khăn. Việc tăng trưởng nguồn vốn còn hạn chế do chưa khuyến khích được mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động tài chính vi mô.

Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình hoạt động; năng lực quản trị điều hành, chất lượng đội ngũ nhân lực còn nhiều hạn chế; mạng lưới hoạt động hẹp, cơ sở hạ tầng, công nghệ còn chậm chuyển đổi…

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và các kiến nghị để tài chính vi mô phát huy vai trò là một trụ cột thúc đẩy tài chính toàn diện. Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, trong đó cần tập trung, thống nhất quy định về khách hàng tài chính vi mô phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi Luật các TCTD. Sửa đổi quy định về thành viên góp vốn theo hướng không bắt buộc phải có một tổ chức chính trị, chính trị xã hội.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động của tài chính vi mô nhất là các chương trình dự án khá đa dạng tại các tỉnh, thành phố hiện nay, trước hết là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá của cơ quan địa phương các cấp và các bộ ngành chức năng kể cả Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ ngành khác.

Nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô như tăng nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư trong nước và trái phiếu/huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng cao năng lực quản trị rủi ro; đầu tư ứng dụng công nghệ vào các quy trình hoạt động để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển và đa dạng hóa sản phẩm; đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh hợp tác với NHTM, các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ (như eKYC, SMS banking, Homebanking, Mobilebanking…) để tạo thuận lợi hơn cho khách hàng.

Tăng cường các hoạt động giáo dục, truyền thông về hiểu biết tài chính cho khách hàng và người dân để giúp họ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, góp phần cải thiện thu nhập, hướng tới mục tiêu tài chính bền vững.

Tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động của các ngân hàng thương mại với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô thông qua hình thức cung cấp vốn tín dụng.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/4-to-chuc-tai-chinh-vi-mo-phuc-vu-khoang-nua-trieu-khach-hang-2281917.html