35 phóng viên, biên tập viên tham gia khóa bồi dưỡng 'Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương'

Ngày 17/5 tại Hà Nội, 35 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí đã tham gia khóa bồi dưỡng 'Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương'.

Khóa bồi dưỡng “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương” được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện.

Chương trình được tổ chức trên tinh thần nhiệt tình trao đổi, nêu ý kiến, đóng góp để các nhà báo, phóng viên thêm sự hiểu biết và nhận thức về các vấn đề liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương. Thông qua đó, đưa tin thật khách quan và chính xác, giúp nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.

Tham dự lễ khai giảng khóa học có ông Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn cao cấp của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Các giảng viên bao gồm PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng - Cố vấn cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; nhà báo Đặng Thị Huệ, nguyên Phó Giám đốc Hệ Phát thanh dân tộc Đài tiếng nói Việt Nam; PGS. TS Lê Lan Chi, Chủ nhiệm Khoa Tư pháp hình sự Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tham gia khóa bồi dưỡng có 35 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, An Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Ninh Bình… Trong khuôn khổ khóa bồi dưỡng, các phóng viên, biên tập viên đã thảo luận, trao đổi xoay quanh 3 nhóm đối tượng yếu thế phụ nữ, người khuyết tật và LGBTI.

Khóa bồi dưỡng thu hút 35 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí

Khóa bồi dưỡng thu hút 35 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí

Phân biệt đối xử với phụ nữ, người khuyết tật và LGBTI là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các cơ hội và sự tham gia bình đẳng của họ trong xã hội. Trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho người dân, các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử.

Báo chí và các phương tiện truyền thông giúp thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề phân biệt đối xử và quyền lợi chính đáng của một số nhóm nhất định trong xã hội đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm, xóa bỏ định kiến xã hội về các nhóm người trong xã hội. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cần thiết về các dịch vụ và cơ hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những thay đổi về luật và chính sách của nhà nước, cũng là một bước quan trọng nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực hơn vào xã hội.

Phát biểu tại khóa bồi dưỡng, ông Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Bồi Dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết, ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của nhiều nhà báo và cơ quan báo chí trong việc cung cấp kịp thời cho công chúng thông tin về các nhóm dễ bị tổn thương nhằm bảo vệ, chống lại mọi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với họ, cũng còn nhiều cơ quan báo chí vẫn chưa thể hiện sự quan tâm đầy đủ trong việc làm sáng tỏ các quan niệm sai lầm và xóa bỏ các định kiến xã hội về các nhóm thường hay bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Để khắc phục tình trạng này rất cần sự tham gia chung tay của các nhà báo, phóng viên. Các cơ quan báo chí, các nhà báo cần có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho công chúng. Việc đưa tin khách quan, chính xác sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương; góp phần chống phân biệt đối xử và làm giảm thành kiến của xã hội đối với họ, qua đó, thúc đẩy một xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn.

Các phóng viên, biên tập viên tham gia khóa bồi dưỡng chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức

Các phóng viên, biên tập viên tham gia khóa bồi dưỡng chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức

Báo chí và phương tiện truyền thông cũng góp phần quan trọng tạo nên những tiến triển tích cực trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn. Đặc biệt là Công ước quốc tế và các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD). Hai hiệp ước này khẳng định một nguyên tắc then chốt là "Tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và phẩm giá". Không khoan nhượng đối với sự phân biệt đối xử trên bất kỳ cơ sở nào, bao gồm cả giới tính, khuyết tật hoặc địa vị xã hội".

Khóa bồi dưỡng đã diễn ra sôi nổi với những trao đổi thẳng thắn, trực diện về các vấn đề, những hạn chế, thực tiễn được nêu bật, hoạt động cá nhân và làm việc nhóm được sắp xếp khoa học đã góp phần tạo nên hiệu quả cho chương trình.

Song Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/35-phong-vien-bien-tap-vien-tham-gia-khoa-boi-duong-ky-nang-dua-tin-ve-nhom-de-bi-ton-thuong-320752.html