10 năm bị Boko Haram bắt cóc

Ngày 18/4/2024, Lydia Simon là một trong 276 nữ sinh ở trường trung học Chibok, bang Borno, Nigeria được quân đội giải thoát sau 10 năm bị nhóm phiến quân Boko Haram bắt cóc (14/4/2014). Lúc này Lydia đã có 3 con trai cùng một bào thai 5 tháng, hậu quả của việc cô bị cưỡng bức phải lấy một tay súng Boko Haram làm chồng…

1. Gần nửa đêm 14/4/2014, khoảng 60 tay súng thuộc nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan Boko Haram xông vào ký túc xá dành cho nữ sinh ở thị trấn Chibok, phía bắc Nigeria, bắt đi 276 người rồi đốt trụi cả phòng ngủ lẫn lớp học. Trên đường áp giải nạn nhân đến những chiếc xe tải để đưa họ vào rừng Sambisa, là căn cứ của Boko Haram, 57 cô gái đã trốn thoát. Khi bị lùa lên xe và khi xe đang chạy, lại có thêm 15 người khác liều mạng nhảy xuống.

Từ đó, chẳng ai biết gì về số phận của những nạn nhân còn lại. Vụ bắt cóc đã khiến cộng đồng thế giới phẫn nộ, dẫn đến sự ra đời của Quỹ Bring Back Our Girls (Mang các cô gái về cho chúng tôi - BBOG) mà nguyên nhân bắt nguồn từ những bài đăng trên mạng xã hội của đệ nhất phu nhân Mỹ lúc bấy giờ là bà Michelle Obama, ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie và Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, Chính phủ Nigeria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Goodluck Jonathan lại cho rằng mục đích của BBOG là “đối lập với chính quyền”. Điều đó dẫn đến phe đối lập thật sự ở Nigeria là đảng Đại hội toàn thể tiến bộ (APC) liên minh với BBOG.

Những nữ sinh bị bắt cóc sẽ phải lấy chồng là chiến binh Boko Haram.

Những nữ sinh bị bắt cóc sẽ phải lấy chồng là chiến binh Boko Haram.

Chỉ một thời gian rất ngắn, các chi nhánh BBOG được thành lập tại hầu hết 36 bang ở Nigeria và nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là trong cộng đồng người Nigeria ở Mỹ và Anh. Các đồng minh của họ bao gồm các nữ nghị sĩ Mỹ Frederica Wilson và Barbara Lee, những người đã giúp thúc đẩy ảnh hưởng của BBOG với chính phủ Mỹ.

Tháng 10/2016, sau nhiều cuộc thảo luận bí mật giữa BBOG và Boko Haram, 21 nữ sinh được trả tự do. Điều này đã khiến thân nhân của những người vẫn đang bị Boko Haram giam giữ, tổ chức các cuộc biểu tình hàng ngày tại Đài phun nước Thống nhất ở thành phố Abuja, yêu cầu chính phủ mang con họ về với họ. Những cuộc biểu tình dai dẳng đến nỗi năm 2019, chính phủ đã dựng hàng rào xung quanh Đài phun nước Thống nhất nhằm không để ai có thể tụ họp.

Gần 1 năm sau, tháng 5/2017, qua nhiều trung gian, 82 nữ sinh tiếp tục được Boko Haram phóng thích sau khi Chính phủ Nigeria đồng ý trả hàng triệu USD tiền chuộc. Khai thác thông tin từ những người được tự do, trong suốt những năm từ 2017 đến 2021, quân đội Nigeria tiến hành nhiều cuộc đột kích vào những khu vực nghi ngờ Boko Haram giam giữ tù nhân nhưng không thu được kết quả. Lydia Simon, được giải thoát ngày 18/4/2024 cho biết Boko Haram phân tán nữ sinh bị bắt cóc ra nhiều nơi. Cô và 18 người khác được đưa về rừng Gwoza, cách Chibok khoảng 150 km về phía Đông.

Lydia kể: “Đó là những cái chòi nằm dưới những tán cây rậm rạp cạnh một con suối, dân cư là vợ của những chiến binh Boko Haram hoặc thân nhân họ. Chúng tôi phải trồng ngô, sắn, khoai để tự túc lương thực. Thức ăn của chúng tôi hầu hết là muối và cá bắt dưới suối. Thỉnh thoảng một tay súng nào đó bắn được một con nai hay một con trâu, chúng tôi mới có chút thịt…”.

Năm 2016, khi Lydia vừa tròn 15 tuổi thì cô được lệnh phải… lấy chồng! Chồng cô là Wuegbo, chiến binh Boko Haram. Đám cưới được tổ chức theo nghi lễ Hồi giáo và tiệc cưới chỉ là bánh bột ngô nướng! Lydia kể tiếp: “15 ngày sau khi cưới, chồng tôi lại ra đi, chẳng biết đi đâu, làm gì. Thỉnh thoảng hắn tạt về 1, 2 ngày rồi biến mất. Khi tôi sinh đứa con đầu lòng, hắn cũng chẳng có mặt. Hắn chẳng bao giờ đưa tiền cho tôi, chẳng quan tâm gì đến con cái. Đơn giản tôi chỉ là món hàng cho hắn giải trí…”.

Theo thời gian, 3 đứa trẻ lần lượt ra đời. Lydia cho biết lúc ấy cô không còn bị giám sát nữa, nhất là khi cô bắt đầu mang thai đứa con thứ tư: “Tôi rất muốn trốn nhưng chẳng biết phải đi bằng đường nào. Tôi hoàn toàn mù tịt về địa hình, địa vật nơi tôi ở…”. Khéo léo thăm dò những người hàng xóm thì họ cũng như cô, chỉ biết rằng nơi họ ở là rừng Gwoza còn Gwoza nằm ở đâu thì họ ngơ ngác như trên trời rơi xuống!

Lydia Simon và 3 con sau khi được giải thoát.

Lydia Simon và 3 con sau khi được giải thoát.

2. Nổi lên như một phong trào thánh chiến ở đông bắc Nigeria năm 2009, Boko Haram theo tiếng bản địa có nghĩa là “Cấm không được giáo dục theo cách của phương Tây”. Nó nhanh chóng thu hút giới thanh niên bất mãn vì tham nhũng, thất nghiệp, vì bị gạt ra bên lề xã hội. Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tính đến cuối năm 2020, khoảng 350.000 thường dân đã thiệt mạng trong những cuộc giao tranh giữa Boko Haram và quân chính phủ, hơn 2 triệu người khác phải di dời đến những nơi an toàn.

Cũng từ năm 2009 đến 2020, đã có hơn 2.200 nữ sinh bị bắt cóc, phần lớn ở độ tuổi từ 8 đến 12. Boko Haram coi họ là con tin trong việc trao đổi những thành viên của họ bị quân đội Nigeria bắt giữ đồng thời cũng là những món quà để “tưởng thưởng cho những chiến binh lập được nhiều thành tích”. Theo ước tính của BBOG, đã có khoảng 1.000 cô gái bị buộc phải lấy các chiến binh Boko Haram làm chồng, còn số bị cưỡng hiếp thì chưa đếm được.

Margret Yama, một trong số 82 nữ sinh được Boko Haram phóng thích sau khi Chính phủ Nigeria trả tiền chuộc kể lại: “Tôi cùng nhiều bạn khác bị giam suốt 3 năm ở rừng Sambisa trong những điều kiện rất khắc nghiệt. Một số bạn 15 tuổi bị buộc phải lấy chồng, số khác bị cưỡng hiếp. Tôi cũng bị hiếp dù lúc ấy tôi mới 10 tuổi nhưng khi thấy bộ phận sinh dục của tôi chảy máu dữ dội, tên chỉ huy ra lệnh cho lính của hắn để tôi yên”.

Sáng ngày 21/5/2017, khi Margret Yama đang nướng mấy củ khoai để chuẩn bị cho bữa ăn trưa thì được lệnh tập trung ở một bãi cỏ. Tại đó đã có hàng chục nữ sinh với khuôn mặt thất thần. Hầu như tất cả đều nghĩ rằng sẽ phải di chuyển đến nơi ở mới hoặc tệ hơn, họ sẽ “ra mắt” những người chồng của họ. Margret Yama kể: “Lúc ấy tôi chỉ biết phó thác đời mình cho số phận. Lát sau, một nhóm các tay súng Boko Haram xuất hiện, ra lệnh cho chúng tôi đi theo…”.

Gần 1 tiếng băng qua những khu rừng rậm rạp, 82 nữ sinh nhìn thấy những chiếc xe tải, tấm bạt che thùng xe có dấu chữ thập đỏ nổi bật trên vòng tròn màu trắng. Và trong khi tất cả chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì họ được lệnh lên xe. Margret Yama kể tiếp: “Chúng tôi được phát mỗi người 1 ổ bánh kẹp thit, 1 chai nước và 2 quả táo. Người lái xe cho biết chúng tôi đã được tự do sau những thương lượng giữa Chính phủ và phiến quân Boko Haram nhưng chỉ khi đoàn xe về đến Banki, một thị trấn biên giới giữa Nigeria và Cameroon, chúng tôi mới dám tin rằng đó là sự thật”.

Ký túc xá trung học Chibok thời điểm bị đốt phá, 276 nữ sinh bị bắt mang đi.

Ký túc xá trung học Chibok thời điểm bị đốt phá, 276 nữ sinh bị bắt mang đi.

3. Trở lại với Lydia Simon, cô hoàn toàn không biết gì về việc 82 người bạn của cô đã được giải thoát từ năm 2017. Cô kể: “Mờ sáng hôm ấy, tôi nghe nhiều tiếng súng ở bìa rừng còn trên trời là tiếng máy bay. Không lâu sau đó, quân đội chính phủ tiến vào những căn lều, là nơi chiến binh Boko Haram và gia đình họ cư ngụ nhưng họ đã bỏ chạy từ lúc súng bắt đầu nổ. Lúc này tôi đã có 3 đứa con, bụng đang mang thai đứa thứ 4. Một người lính hỏi tôi: “Cùng ở chung với cháu có bao nhiêu người bị bắt cóc?”. Tôi đáp: “17 nhưng ở cách xa nhau, rất ít khi cháu gặp được họ”. Người lính nói tiếp: “Cháu đã được tự do. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các bạn cháu”.

Cũng qua những người lính, Lydia Simon mới biết hôm ấy là ngày 18/4/2024 và cô đã bị Boko Haram bắt tròn 10 năm. Idayat Hassan, nhà phân tích thuộc chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết cuộc giải cứu Simon là biểu tượng cho niềm hy vọng lâu dài. Ông nói: “Thật là kỳ diệu. 10 năm sau chúng tôi có thêm một cô gái. Nó giữ cho niềm hy vọng của chúng tôi tồn tại”.

Về phía Chính phủ Nigeria, quân đội giữ kín các chi tiết về cuộc hành quân giải cứu. Khi được hỏi, trung tá Zanna Mustafa, chỉ huy cuộc đôt kích vào rừng Sambisa chỉ nói vắn tắt: “Chúng tôi hy vọng sẽ giải thoát được nhiều nữ sinh nhưng thật không may, chỉ có 1 người được cứu nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi tiếp tục hành động”.

Trước đó, khi vừa mới xảy ra vụ bắt cóc 276 nữ sinh ở Trường trung học Chibok, đã xuất hiện những mâu thuẫn giữa các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và những người đồng cấp Nigeria về việc chia sẻ thông tin tình báo. Phía Nigeria tức giận cho rằng thái độ của người Mỹ là “trịch thượng và quá đáng” đồng thời Nigeria cũng từ chối lời đề nghị giải cứu nạn nhân của Lực lượng đặc biệt Anh quốc dù rằng thời điểm ấy, lực lượng này đã xác định được vị trí nơi Boko Haram giam giữ 276 nữ sinh. Một thành viên Boko Haram giấu tên ra đầu hàng quân chính phủ cho biết: “10 năm đã trôi qua. Những nữ sinh bị bắt cóc đã buộc phải cải đạo và lấy chồng. Sau khi kết hôn, họ theo chồng họ đi bất cứ đâu nên việc cứu họ gần như là không thể…”.

Ông Emmanuel Ogebe, luật sư người Nigeria nói thêm: “Nếu giải cứu được những cô gái còn đang bị Boko Haram cầm tù, họ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Liệu gia đình, xã hội có mở rộng vòng tay với những đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn, hay chúng sẽ bị hắt hủi, ghẻ lạnh vì cha chúng là phần tử khủng bố?”.

Mười năm đã trôi qua nhưng BBOG vẫn chưa đạt được mục tiêu quan trọng nhất: “Mang tất cả các nữ sinh trở lại”. Dẫu vậy, thành công lớn nhất của BBOG cho đến nay là cách họ làm cho thế giới hiểu rõ về hoàn cảnh của phụ nữ ở miền Bắc Nigeria. Về một mặt nào đó, BBOG đã phá hủy nhiệm vụ cốt lõi của Boko Haram, đó là “không cho phép trẻ em gái được quyền học hành” qua những ngôi trường do BBOG xây dựng. Được trang bị kinh nghiệm và học vấn, rất nhiều phụ nữ Nigeria đã có những bước tiến dài và trong tương lai, họ sẽ còn đi xa hơn nữa trong nhiều lĩnh vực. Thế hệ này đã can đảm đứng lên chống lại việc nhà cầm quyền đơn phương hủy bỏ kết quả của cuộc tổng tuyển cử. Họ công khai bày tỏ sự nghi ngờ đối với những lời hứa của chính phủ bởi họ đã thấy những lời hứa này chẳng tác dụng gì.

4. Cuối cùng là Lydia Simon. Ngày 24/4/2024, cô gặp lại gia đình sau 10 năm chia cách. Do không được báo trước nên cha mẹ cô khá sững sờ trước việc cô đã có 3 con và đang chuẩn bị sinh đứa thứ tư. Lúc biết được cha lũ trẻ là phiến quân Boko Haram và Lydia bị buộc phải lấy hắn, bà Samba, mẹ Lydia nói: “Chúng nó vẫn là cháu tôi. Trẻ con thì không có tội vì chúng đâu có quyền chọn nơi ra đời…”.

Sau khi Lydia Simon được giải thoát, Boko Haram đã cho đăng tải một video trên mạng xã hội, trong đó hàng chục phụ nữ ngồi thành hàng dài. Trước mặt họ có vẻ là một trong những chỉ huy của nhóm phiến quân. Hắn tuyên bố sắp tới sẽ có một lễ “thành hôn tập thể giữa các cô gái đã giác ngộ đạo Hồi và những tay súng anh hùng”. Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Boko Haram hiện có ít nhất 20.000 tay súng, lãnh đạo bởi Abu Umaimata, được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda, Ansaru, Ansar Dine, MOJWA và Al-Mulathameen. Nguyên tắc hàng đầu của Boko Haram gói gọn trong câu khẩu hiệu: “Thánh chiến là tất yếu. Việc không tích cực tham gia thánh chiến đồng nghĩa với việc phản bội đạo Hồi”…

Vũ Cao (Theo Africa Today)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/10-nam-bi-boko-haram-bat-coc-i731767/